Xu hướng đô thị của tương lai: thành phố trên mặt nước

Mực nước biển đang ngày một dâng cao theo tình trạng đô thị hóa, gia tăng nhuy cơ lún đất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Xây dựng nhà trên mặt nước được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển nhà ở lâu dài và bền vững.

Bản dựng 3D của dự án Thành phố trên nước tại Busan. Ảnh: BIG

Bản dựng 3D của dự án Thành phố trên nước tại Busan. Ảnh: BIG

Theo đó, giới chức tại TP Busan, Hàn Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một khu đô thị trên mặt nước. Với sự ứng dụng của các kỹ thuật và công nghệ xây dựng hiện đại, dự án đặc biệt này được kỳ vọng có thể đáp ứng nhu cầu sinh sống của hơn 10.000 người.

Trên thế giới, các cộng đồng nhà ở nổi đã tồn tại ở Hà Lan, Thái Lan, và một số khu vực khác tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây là các cụm nhà thuyền neo đậu gần nhau, thiếu tính bền vững. Theo đó, thành phố trên mặt nước được thiết kế để xây dựng trên các tấm bê tông khổng lồ nổi trên mặt nước.

Giải thích nhanh về mặt kỹ thuật, ông Koen Olthuis, người sáng lập công ty kiến trúc Hà Lan Waterstudio, người đã thiết kế một khu phát triển nổi ở Maldives chia sẻ: “Một khối bê tông sẽ chìm. Nhưng nếu bạn tạo hình nó thành một cái hộp thì nó sẽ nổi. Đó là định luật Archimedes. Thể tích nước bị đẩy đi bằng trọng lượng của nước bị chiếm chỗ. Nguyên lý của nó giống với tàu sân bay”.

Thành phố nổi đang được phát triển ngoài khơi Busan là sự hợp tác giữa Chương trình Định cư của Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), công ty kiến trúc BIG và công ty công nghệ Oceanix.

Theo UN-Habitat, khoảng 90% các thành phố ven biển có thể bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng. Hiện tại, khi các thành phố cần mở rộng do dân số gia tăng, một số khu vực phải xây dựng lấn biển, sử dụng một lượng lớn đá và xi măng để lấp nền, theo bà Madamombe, nhà sáng lập Oceanix, nói thêm rằng đây là phương án không bền vững.

“Về cơ bản, họ đang đổ các chất liệu xây dựng xuống biển để tạo ra diện tích đất mới, điều này gây ra rất nhiều vấn đề,” bà nói.

Thành phố nổi đang được xây dựng ngoài khơi Hàn Quốc, Oceanix Busan được thiết kế với diện tích 63.000 mét vuông cùng sức chứa khoảng 12.000 người. Khu đô thị nhỏ này sẽ được nối với đất liền bằng cầu. Bà Madamombe cho biết mục tiêu không chỉ là tự cung tự cấp năng lượng và nước, mà hướng tới khả năng sản xuất năng lượng để cung cấp lại cho cộng đồng lân cận.

“Đây là một phần mở rộng của một thành phố,” bà nói.

Việc xây dựng được dự kiến bắt đầu vào cuối năm. Sau đó, các tấm bê tông sẽ được kéo đến địa điểm và lắp ráp lại.

“Điều này cho phép chúng tôi xây dựng nhiều hợp phần của công trình một cách nhanh chóng nhất có thể,” bà Madamombe nói. Bà cho biết cấu trúc này có thể mở rộng vô hạn và cuối cùng có thể chứa 150.000 người.

Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028. “Chúng tôi cũng đang theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng nổi đa dạng khác, dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới,” bà Madamombe nói.

Thành phố nổi của Busan chỉ tập trung kỹ thuật xây dựng trên mặt nước, ít chú trọng vào tính thẩm mỹ.

“Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng của thành phố với nhiều dạng kiến trúc khác nhau," Daniel Sundlin, một đối tác của dự án. “Hình dạng của các nền tảng cấu trúc là các khối hình lục giác tròn, giúp chúng ổn định. Chúng sẽ không lắc lư theo từng con sóng như một ngôi nhà thuyền,” ông nói.

Hình ảnh mô phỏng của dự án khi đi vào hoạt động. Ảnh: Oceanix

Hình ảnh mô phỏng của dự án khi đi vào hoạt động. Ảnh: Oceanix

BIG cũng hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các công ty kỹ thuật biển để đảm bảo các nền tảng có thể đáp ứng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

“Chúng tôi đã nghiên cứu về cơ cấu và quy mô của những tòa nhà và sử dụng những vật liệu có trọng lượng nhẹ nhất có thể,” đại diện BIG ông Sundlin nói. “Gỗ đã qua xử lý là một vật liệu rất phù hợp vì nó rất nhẹ. Thép cũng là lựa chọn tối ưu hơn, so với bê tông hoặc đá ”.

Những cấu trúc này có tính độc đáo ở khả năng tăng cường sự đa dạng sinh học và sức khỏe sinh thái của các bến cảng nơi chúng được neo đậu, bằng cách cung cấp môi trường sống cho một số sinh vật biển. “Loại cấu trúc nổi này thu hút sinh vật biển và về bản chất giúp phục hồi hệ sinh thái,” ông Sundlin nói.

Cùng sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc, dự án Busan đang thiết lập các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về khu dân sinh thân thiện với môi trường.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-huong-do-thi-cua-tuong-lai-thanh-pho-tren-mat-nuoc.html