Xu hướng du lịch tình nguyện
Những ngày cuối năm, khi miền núi phía Bắc chìm trong sương lạnh và giá buốt, nhiều hoạt động thiện nguyện dành cho người nghèo và các vùng khó khăn lại được triển khai sôi nổi. Làm từ thiện là việc đáng quý, nhưng thực tế cho thấy nhiều vùng sâu, vùng xa đã đổi thay một cách căn cơ nhờ phát triển du lịch cộng đồng.
Cho nên, hình thức du lịch tình nguyện hiện nay đang được cho là một cách hiệu quả, phát triển các dự án du lịch cho đồng bào, giống như thay vì đem con cá, du lịch tình nguyện là đem cần câu đến phát triển du lịch cộng đồng.
Đem tiền bạc, vật chất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn khó khăn hoặc gặp thiên tai thảm họa đã là rất quý. Nhưng càng ngày càng thấy để miền núi, để đời sống đồng bào DTTS phát triển bền vững thì cần những cách làm bền vững hơn.
Du lịch tình nguyện, mang đến đồng bào "chiếc cần câu"
Du lịch tình nguyện là một xu hướng du lịch ngày càng phổ biến trên thế giới, bởi nó không chỉ mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa, mà còn góp phần giải quyết những vấn đề xã hội và phát triển bền vững. Hoạt động này cũng là một cách để du khách thể hiện trách nhiệm và tôn trọng đối với đất nước và con người nơi mình đến.
Hiện nay, phần lớn các ngôi nhà ở Lô Lô Chải đều được tận dụng trở thành homestay với đầy đủ các tiện nghi như nhà vệ sinh, bàn trà, không gian sinh hoạt chung được bố trí hợp vệ sinh, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa gìn giữ lối kiến trúc đặc trưng của dân tộc. Kể từ sau khi chuyển đổi phương thức làm kinh tế, từ một thôn thuần nông nay đã trở thành điểm đến thu hút du khách, bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực hơn, đồng bào đã thoát nghèo bằng chính công sức và năng lực của mình.
Tour tình nguyện đang dần phổ biến khi chính du khách được tham gia vào chuyến đi kết hợp du lịch địa phương, tận hưởng dịch vụ giải trí, mua sắm và giúp đỡ người dân hoàn thiện dịch vụ của mình. Chương trình tập trung vào du lịch sinh thái với mục tiêu giúp người dân đặc biệt là những gia đình khó khăn có thể phát triển công việc ngay tại trên quê hương hay chính ngôi nhà của mình từ việc xây dựng “homestay”, dịch vụ trải nghiệm văn hóa vùng miền…
Hình thức du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, nhằm mang lại lợi ích cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Du khách tình nguyện sẽ tham gia các hoạt động như dạy học, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên, hỗ trợ phát triển cộng đồng, và trao đổi văn hóa với người dân địa phương.
Sự giúp đỡ không chỉ trong đôi lần ghé thăm mà còn là sự quan tâm, đồng hành lâu dài từ khi căn nhà chỉ là nơi để ở, khoảng vườn là chỗ chăn nuôi, trồng trọt cho đến khi không gian ấy trở thành một địa điểm lưu trú, du lịch mà bà con có thể gia tăng thu nhập từ đó.
Câu chuyện tình nguyện đã không chỉ còn "cho con cá" mà đã mang đến cho đồng bào "chiếc cần câu" để họ tự tin phát triển du lịch tại chính quê nhà, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc và tạo ra nguồn thu nhập chính đáng.
Hiệu quả của những mô hình này không dễ nhận thấy qua tuần, qua tháng mà cần quãng thời gian dài, trung bình một mô hình mất từ 1 - 2 năm để chứng minh tính hiệu quả của nó. Do vậy, đây là hành trình dài, nhiều gian nan, cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương, quyết tâm thoát nghèo của đồng bào và sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.
Từ điển hình Lô Lô Chải
Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), điểm dự án tiêu biểu được "lột xác" từ sự phối kết hợp của chính quyền địa phương, người dân và các tour du lịch tình nguyện.
Khởi đầu, Lô Lô Chải chưa làm du lịch, bà con vẫn sống dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, hiệu quả kinh tế kém. Sau quyết tâm của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, Lô Lô Chải đã "khoác áo mới" với cơ sở hạ tầng phát triển, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ du khách, song vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc và những nét đẹp văn hóa từ nhiều đời của người Lô Lô.
Thôn Lô Lô Chải có 119 hộ, bao gồm 2 dân tộc, trong đó dân tộc Lô Lô có 109 hộ, còn lại 10 hộ là dân tộc Mông. Cho đến nay, Lô Lô Chải đã có tổng số 42 hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay. Lượng khách du lịch trong năm 2023 tại làng văn hóa du lịch cộng đồng dao động từ 400 - 600 khách một ngày. Mức thu nhập bình quân của người dân từ dịch vụ du lịch đạt 50 - 70 triệu một hộ một năm, có những hộ đạt tới 200 triệu đồng một năm.
Những ngôi nhà trình tường, lợp ngói máng nằm sát cạnh nhau. Người dân giữ thói quen mặc trang phục truyền thống, phát huy nghề mộc, nghề thêu thùa cùng những lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào qua bao thế hệ như lễ cúng Thần Rừng, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới… Văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ nguyên vẹn, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan và sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương.
Từ một ngôi làng nhỏ “vô danh”, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn sống chủ yếu dựa vào mấy vạt ngô trồng trên núi đá tai mèo; đến nay, thôn Lô Lô Chải, đã khoác lên mình diện mạo mới. Những đổi thay từ cách nghĩ, cách làm của đồng bào Lô Lô đã biến nơi này thành điểm “sáng” về du lịch cộng đồng (homestay) trên bản đồ du lịch của Hà Giang, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS dưới chân núi Rồng.
Trong nhiều năm qua, V.E.O (Volunteer for Education Organization) là một trong những đơn vị đi tiên phong trong tour du lịch tình nguyện và là nơi mở đầu cho tour tình nguyện đến Lô Lô Chải, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bản du lịch cộng đồng này. Dự án của V.E.O là du khách đến đây sẽ tham gia lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong bản; tham gia góp ý xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm; thu thập tư liệu và xây dựng nội dung quảng bá cho mô hình du lịch cộng đồng tại Lô Lô Chải cũng như văn hóa của người Lô Lô Chải…
Xu hướng làm du lịch tình nguyện hiện nay cũng lan tỏa đến hoạt động của nhiều trường đại học. Nếu trong năm 2023, khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện dự án “Hoa rộ biên cương” nhằm quảng bá du lịch Bình Liêu (Quảng Ninh) thì năm 2024, đơn vị này đã triển khai dự án “Nắng rực miền Shan Tuyết”. Chiến dịch du lịch tình nguyện này đã xây dựng các sản phẩm review dưới dạng video, bài viết và đăng tải trên các kênh mạng xã hội để quảng bá vẻ đẹp và văn hóa, trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại thôn Cao Bành, Hà Giang.
Hoạt động du lịch tình nguyện ngày càng được tổ chức phong phú và linh hoạt từ dọn vệ sinh, làm nông, xây nhà, sửa phòng học… cho đến chăm sóc sức khỏe, dạy ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống… Ở Sa Pa (Lào Cai), các tour du lịch tình nguyện phổ biến là ở lại nhà dân và dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc thiểu số. Liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã, có các tour cứu hộ rùa ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm; thu gom rác ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trồng cây xanh tại Đà Lạt (Lâm Đồng)… Nói chung hoạt động của du lịch tình nguyện phổ biến là giúp xây dựng vườn rau tại các trường mầm non, sơn sửa phòng học, thư viện, vẽ tranh tường; bên cạnh đó là đi thăm các làng nghề truyền thống, chụp ảnh, viết blog quảng bá cho du lịch địa phương. Như vậy, những vị khách đồng thời là tình nguyện viên có được trải nghiệm và hiểu biết, còn cộng đồng dân cư được hưởng lợi về mặt an sinh xã hội và tăng thêm thu nhập từ du lịch.
Tuy nhiên, du lịch tình nguyện cũng đòi hỏi một số điều kiện mà không phải bất cứ ai, bất kỳ lúc nào cũng có thể tham gia. Nhiều chương trình giới hạn số lượng thành viên để tập trung vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mặt khác, các tình nguyện viên còn phải được sát hạch và tập huấn thêm để bảo đảm có sức khỏe tốt, kỹ năng vận động, giao tiếp, lòng nhiệt tình, ý thức tôn trọng văn hóa... Nếu như ban đầu, các tour du lịch tình nguyện thường chỉ có người nước ngoài tham gia, thì đến nay càng ngày càng có nhiều người Việt Nam đăng ký du lịch tình nguyện.
Hoạt động tình nguyện nhưng hướng tới bền vững
Khác với các hoạt động từ thiện là chỉ nhằm tới mục đích đem tiền quà đến trao cho người dân địa phương, du lịch tình nguyện trước hết là hướng tới du lịch. Tức là du khách vẫn phải bỏ tiền để đi du lịch như bình thường, vẫn trải nghiệm các hoạt động du lịch, vẫn tiêu tiền cho các sản phẩm du lịch địa phương. Chỉ khác là du khách không chỉ thưởng ngoạn du lịch mà còn tự nguyện tham gia vào quá trình phát triển con người, vùng đất.
Đáng ghi nhận của du lịch tình nguyện là các đơn vị tổ chức tập trung vào các chương trình giáo dục, mang lại cho những người yếu thế, cư dân nghèo, nạn nhân của các vụ lừa đảo... có được một cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống phát triển lâu dài, thay vì những hoạt động từ thiện ngắn hạn.
Những điểm đến mà mô hình du lịch tình nguyện chọn chủ yếu là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên người dân ở đó lại không biết cách làm sao để phát triển. Vì vậy, du khách tình nguyện sẽ đào tạo cho họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay để họ thấy ngoài việc đi cày ruộng, đánh cá thì vẫn có cách kiếm tiền mới và có thể phát triển bền vững.
Để du lịch tình nguyện phát huy đúng vai trò, mục đích những người tham gia cũng cần được trang bị những kỹ năng nhất định, đặc biệt là những mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
Tuy nhiên, theo V.E.O, quá trình thuyết phục người dân ở mỗi điểm dự án phụ thuộc vào nhu cầu và tâm thế muốn thay đổi của người dân, không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra suôn sẻ.
Sau khi thuyết phục thành công bà con tham gia phát triển du lịch, khó tránh khỏi những thiếu sót do bà con chưa từng có kinh nghiệm làm dịch vụ, khi ấy đội ngũ tình nguyện viên luôn đồng hành cùng bà con để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn ấy. Song, đôi khi không phải cứ hướng dẫn, góp ý là người dân sẽ chấp nhận thay đổi mà đó còn là một hành trình dài nhằm định hình tư tưởng, trang bị kiến thức, từ thái độ tiếp đón du khách cho tới chuẩn bị nơi ở, cách nấu ăn, phục vụ.Hình thức du lịch này là cầu nối đặc biệt giữa các chuyên gia quốc tế với cộng đồng người dân địa phương, các tình nguyện viên Việt Nam tham gia chương trình, ngoài việc trải nghiệm, học tập, còn là cơ hội để hỗ trợ những dự án phát triển cộng đồng, người yếu thế trong xã hội.
Sau trận bão Yagi, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị xây dựng thêm các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp thiện nguyện và hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai.
Bên cạnh việc giúp khôi phục kinh tế du lịch của các địa bàn bị thiệt hại sau mưa lũ, các tour thiện nguyện với sự hỗ trợ từ công ty du lịch và chính quyền địa phương sẽ giúp hoạt động thiện nguyện đạt được hiệu quả tốt hơn, du khách biết được đúng địa điểm đang cần cũng như nhu cầu hỗ trợ gì, từ đó tránh việc nơi thừa, nơi thiếu.
Ví dụ các tour “Khám phá Sa Pa - thành phố trong sương kết hợp chương trình thiện nguyện” với hoạt động thăm hỏi và tặng quà tại xã Mường Hoa; tour khám phá chợ phiên Bắc Hà - du thuyền trên sông Chảy kết hợp chương trình thiện nguyện, giúp đỡ học sinh khó khăn ở Hoàng Thu Phố hoặc xã Lùng Phình; tour tham quan du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng Bảo Yên kết hợp thiện nguyện ở Nghĩa Đô, Làng Nủ (Phúc Khánh); tour khám phá Mường Hum - Y Tý - Lũng Pô kết hợp thiện nguyện, tặng quà cho học sinh ở A Lù, Nậm Pung...
Nhiều đơn vị lữ hành cũng đã triển khai tour theo hướng này. Các tour thiện nguyện điển hình là kết hợp du lịch với các hoạt động từ thiện theo hướng bền vững, hiệu quả. Đáng chú ý là đối với các tour này các điểm tham quan và trải nghiệm vẫn đảm bảo phục vụ du khách. Như vậy, vừa có hoạt động từ thiện vừa kích cầu du lịch phát triển, nhất là hình thức du lịch cộng đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xu-huong-du-lich-tinh-nguyen-10296978.html