Xu hướng FDI và những mối bận tâm

Nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh, môi trường ổn định, giá nhân công hợp lý… giúp Việt Nam luôn duy trì được vị thế điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đặc biệt là đầu tư trực tiếp (FDI) trong những năm qua. Tuy nhiên, những mối lo cũng bắt đầu bộc lộ.

FDI giảm, tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng

Đóng góp tới 69% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, 10 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, thậm chí giảm.

Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện dù đứng đầu về giá trị kim ngạch, nhưng chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16%); hay xuất khẩu dệt may tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 15%)... Cùng với đó, vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 12,8 tỷ USD và 5,4 tỷ USD, giảm tương ứng ở các mức 15% và 16% so với cùng kỳ, càng làm tăng thêm quan ngại.

Theo báo cáo chuyên sâu về FDI của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố gần đây, những khó khăn của các thương hiệu lớn như Samsung khi đánh mất thị phần cùng tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của khối FDI giảm sút. “Xu hướng này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020”, báo cáo này nhận định.

Bên cạnh đó, ĐTNN còn có dấu hiệu đáng quan ngại khác khi ghi nhận sự giảm tốc ở hai đầu nguồn quan trọng đóng vai trò dẫn dắt FDI vào Việt Nam lâu nay là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, và Hồng Kông).

Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng thứ 2 cả về giá trị lẫn số lượng dự án FDI đăng ký mới, tương ứng là 2,1 tỷ USD và 541 dự án, tăng lần lượt là 169% và 83% (cùng kỳ 2018, Trung Quốc chỉ đứng thứ 5 về giá trị và thứ 3 về số lượng). Trung Quốc cũng gia tăng mạnh việc góp vốn mua cổ phần, với mức tăng 40% trong 10 tháng qua, sau khi đã tăng 65% trong năm 2018.

Từ vị trí thứ 5, hiện nay Trung Quốc đã lên đứng vị trí thứ 3 (không tính Hồng Kông) về tổng giá trị các giao dịch. Riêng Hồng Kông cũng vượt lên trên Nhật Bản để đứng thứ 4 về số vốn đăng ký mới, với 1,63 tỷ USD, tăng mạnh 151%.

Ngược lại, FDI đăng ký mới của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan - 4 nước đứng đầu trong 10 tháng năm 2018 thì đều giảm trong năm nay. Trên nghị trường nơi Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, có đại biểu đã thẳng thắn nhận định: Vốn ĐTNN dịch chuyển theo hướng như vậy phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta.

Trong đó, một trong những yếu tố có liên quan mật thiết tới chất lượng tăng trưởng là môi trường. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao. Một câu hỏi đặt ra là liệu có phải các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các DN Trung Quốc như vậy sang các quốc gia lân cận trong đó có Việt Nam không? Nói cách khác, các tiêu chuẩn của chúng ta còn đang dễ dãi quá chăng?

“Trong bối cảnh này, việc ra đời Nghị quyết 50 về ĐTNN của Bộ Chính trị, trong đó đặt chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí chủ yếu để đánh giá lựa chọn FDI là tương đối kịp thời để hạn chế các dự án ô nhiễm, chủ động sàng lọc thu hút các dự án FDI tốt cho Việt Nam”, Báo cáo của SSI nhận định.

Cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất

Cũng trên nghị trường Quốc hội, có đại biểu nhắc lại những vấn đề gây đau đầu bấy lâu nay: Đó là hiện tượng các DN FDI chủ yếu vào Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ, không chuyển giao công nghệ - thứ mà Việt Nam cần nhất. Bên cạnh đó là hiện tượng số DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% - 51% trên tổng số DN có báo cáo.

“Đáng chú ý là tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN FDI báo lỗ và lỗ lũy kế đang cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN FDI báo lỗ và DN lỗ lũy kế. Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp”, vị đại biểu nhận định.

Nhìn ở góc độ ngược lại, báo cáo của SSI đánh giá về tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối này cũng như tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng chung. Tuy vậy, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất, đa dạng hàng hóa xuất khẩu và đặc biệt là chủ đầu tư, cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 50 về “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư”.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, thuộc Công ty SSI, trong sự lạc quan của xu hướng FDI, cũng phải nhìn nhận thực tế không mấy khả quan về những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào. Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt Nam, vốn vẫn đang dựa nhiều vào câu chuyện “nhân công giá rẻ”.

Tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Đây là một nghịch lý khi mà giải ngân đầu tư công chậm chạp thì tình trạng tắc nghẽn giao thông vận tải lại diễn ra ngày một phổ biến như vậy.

“Để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt Nam là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ. Nếu làm tốt được việc này, Nghị quyết 50 về FDI sẽ song hành cùng Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, tạo thành hai trụ cột vững chắc, giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xu-huong-fdi-va-nhung-moi-ban-tam-94830.html