Xu hướng gắn kết với BRICS

Giới chuyên gia chính trị, kinh tế quốc tế nhận định, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ngày càng trở thành 'điểm đến' phù hợp với lợi ích của nhiều quốc gia, bao gồm khu vực Đông Nam Á.

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS diễn ra vào ngày 10/6 vừa qua tại Nga. Ảnh: Reuters

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS diễn ra vào ngày 10/6 vừa qua tại Nga. Ảnh: Reuters

Đa dạng hóa các lựa chọn

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh đấu trường kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều biến động khó lường, việc hiện thực hóa mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong đó, BRICS đang nổi lên như một "điểm đến" phù hợp với nhiều quốc gia, bao gồm các nước ở khu vực Đông Nam Á.

BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập khối vào năm 2010. Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được chào đón trở thành thành viên mới của khối từ ngày 1/1/2024. Hiện nay, nền kinh tế của các quốc gia thành viên BRICS có giá trị 28,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Joseph Liow - Trưởng khoa Khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn, Đại học công nghệ Nanyang (Singapore), trong thời gian qua, nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Điều tạo ra sức hút của BRICS chính là tiềm năng chung của khối vừa lớn, vừa phù hợp với tình hình của nhiều quốc gia đang phát triển. Các nước Đông Nam Á có những tính toán về lợi ích quốc gia và mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn của mình trên trường kinh tế toàn cầu.

Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật pháp (CELIOS) tại Indonesia nhìn nhận, lâu nay, hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều coi Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường truyền thống tiềm năng. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ đều là 2 quốc gia sáng lập BRICS. Việc các quốc gia Đông Nam Á gia nhập BRICS được nhìn nhận là cách tiếp cận để mở rộng hơn nữa trong một thị trường rộng lớn có tính kết nối và gắn kết cao hơn.

Trong một thông báo gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết, nước này đã đệ trình yêu cầu chính thức gia nhập BRICS trong tháng 6. Trên phương tiện truyền thông đại chúng, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, quốc gia này cũng đã quyết định gia nhập BRICS và sẽ sớm tiến hành các thủ tục chính thức.

Ngoài Thái Lan và Malaysia có những hành động cụ thể để gia nhập BRICS, nhiều quốc gia trong khu vực cũng thể hiện sự quan tâm tới tổ chức đa phương mới nổi này. Điển hình như Indonesia, đầu năm nay, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết, đất nước của bà đang nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi gia nhập BRICS. Myanmar, Lào cũng từng bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong khi Singapore và Philippines chưa đưa ra lập trường về việc trở thành thành viên của BRICS.

Có những trở ngại

Theo Tiến sĩ Alan Chong - nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (Singapore), khi đề cập đến khái niệm quản trị toàn cầu, BRICS được mô tả như một vòng tròn lãnh đạo thay thế. Điển hình như mối quan tâm của Malaysia khi gia nhập BRICS, đây có thể là một cách để nâng cao chính sách đối ngoại của quốc gia này theo một cách rất đặc biệt.

Cảng Tanjung Pelepas của Malaysia. Ảnh: New Straits Times

Cảng Tanjung Pelepas của Malaysia. Ảnh: New Straits Times

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị quốc tế nhìn nhận, một số quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gia nhập BRICS sẽ phải đối diện với một số trở ngại.

Dễ thấy nhất, Trung Quốc là một trong những thành viên hàng đầu của BRICS. Việc ASEAN gia nhập BRICS ở một góc độ nào đó có thể thúc đẩy Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Việc gắn kết với BRICS cũng sẽ khiến một số quốc gia thành viên của ASEAN làm sâu sắc hơn sự phụ thuộc quá mức vào siêu cường này theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là ở góc độ kinh tế.

Một số chuyên gia chính trị chỉ ra rằng, việc một số quốc gia vốn đã phụ thuộc vào Trung Quốc, nếu tiếp tục phụ thuộc sâu sắc hơn với nước này sẽ mang tới nhiều rủi ro. Bởi Trung Quốc đang phải trải qua tình trạng nhu cầu trong nước chậm lại trong ít nhất 2 đến 3 năm tới và vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản.

Thực tế hiện nay cho thấy, nền kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, điều này tất yếu sẽ có những tác động đến tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực ASEAN. Bên cạnh vấn đề phụ thuộc kinh tế, nhiều chuyên gia chính trị cũng cho rằng, chính trị trong nội bộ BRICS có thể trở thành một trở ngại cho việc các quốc gia khu vực Đông Nam Á gia nhập.

Tiến sĩ Joseph Liow nhận định: “Cũng có những trở ngại lớn, như tư cách thành viên của các quốc gia có mối quan hệ song phương riêng đang phải đối mặt với những thách thức, như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc Saudi Arabia và Iran. Chính trị có thể dễ dàng trở thành một bức tranh khiến tiềm năng của khối khó có thể hiện thực hóa”.

Các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế rằng, không phải cứ gia nhập BRICS là sẽ có lợi và không phải tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều cho thấy mong muốn gia nhập BRICS. Trong khi một số quốc gia thể hiện mong muốn gia nhập BRICS, nhiều quốc gia khác vẫn giữ im lặng về vấn đề này.

Giám đốc điều hành CELIOS Bhima Yudhistira cho rằng, việc gia nhập BRICS hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á với các quốc gia thành viên của BRICS.

Ông Bhima nêu quan điểm: “Singapore cảm thấy nếu không gia nhập BRICS, họ cũng vẫn trở thành trung tâm đầu tư và tài chính cho nhiều công ty Trung Quốc. Có thể, việc đảo quốc này chưa có bất kỳ động thái gì liên quan tới việc gia nhập BRICS là bởi lo ngại rằng, các thỏa thuận song phương và đa phương với Trung Quốc và các quốc gia thành viên BRICS khác sẽ bị trùng lặp”. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, sức hấp dẫn của BRICS sẽ tiếp tục hướng đến việc mở rộng để có được những lợi ích kinh tế tiềm năng. Ông Bhima nhận định, nhiều quốc gia sẽ quan tâm đến việc gia nhập BRICS nếu các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra các gói đầu tư hấp dẫn, giảm bớt các rào cản xuất khẩu khác nhau cho các nước BRICS và cung cấp các khoản vay chắc chắn hơn cho các dự án lớn phù hợp với chương trình nghị sự quốc gia.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xu-huong-gan-ket-voi-brics-post477589.html