Xu hướng 'geongangmi' phá vỡ định kiến sắc đẹp ở Hàn Quốc
Ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc không còn ưa chuộng nét đẹp mảnh mai cùng làn da trắng, mà theo đuổi hình thể săn chắc với cơ bắp và làn da ngăm.
Khi Yoo Won Hee còn nhỏ, cô có một cơ thể yếu ớt và không cho rằng mình mạnh mẽ. Cô nói ngày xưa, nhiều người Hàn Quốc có thể nhịn đói để gầy đi. Nhưng giờ đây, Yoo dành thời gian để ăn uống và tập luyện phát triển cơ bắp. Cô tự tin rằng vóc dáng săn chắc của mình khiến bạn bè ghen tị.
“Tôi chỉ nghĩ rằng có cơ bắp trông sẽ ngầu hơn. Tôi không muốn gầy, tôi muốn cao lớn hơn. Tất nhiên, các tiêu chuẩn xã hội luôn tồn tại, nhưng đối với tôi, không có tiêu chuẩn nào tốt hơn việc hài lòng với bản thân”, cô gái 26 tuổi nói.
Yoo là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc theo đuổi lý tưởng làm đẹp mới, tập trung vào thể thao và sức mạnh, theo Guardian.
Được gọi là “geongangmi” hay “vẻ đẹp khỏe mạnh”, xu hướng này đánh dấu sự thay đổi khỏi quan niệm “gầy mới đẹp” đã tồn tại trong thời gian dài ở đất nước.
Một geongangmi được định nghĩa là có cơ bắp, năng động và rám nắng. Những phụ nữ nổi bật được coi là geongangmi bao gồm ngôi sao nhạc pop Hyolyn và diễn viên nổi tiếng kiêm võ sĩ nghiệp dư Lee Si Young.
“Nếu trước đây da trắng là phổ biến thì hiện nay có rất nhiều người muốn có làn da ngăm đen, vì ngày nay nhiều người nổi tiếng cũng có làn da nâu”, Yoo nói.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết hiện tượng “vẻ đẹp khỏe mạnh” đang tăng nhanh trong thế hệ Z và Y của Hàn Quốc trong 2, 3 năm qua. Dữ liệu điều tra dân số cho thấy những người ở độ tuổi 20 đến 29 thường xuyên đến phòng tập thể dục, tăng hơn gấp đôi trong 4 năm, tính đến năm 2020.
“Nâng cao chất lượng cuộc sống” thay vì giảm cân
Koo Hyun Kyung, 29 tuổi, chủ sở hữu và huấn luyện viên cá nhân tại Timber, một phòng tập thể dục dành riêng cho phụ nữ chuyên tập tạ và nâng cơ, nói rằng đối với nhiều khách hàng, các ưu tiên đã chuyển từ giảm cân sang nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong 3 đến 4 năm qua, cô đã thấy số lượng khách hàng quan tâm đến việc tập thể dục tăng lên đáng kể. Cô cho biết doanh thu đã tăng gấp 3 lần kể từ khi phòng tập của cô mở cửa, bất chấp những hạn chế khắt khe đối với các phòng tập thể dục trong thời kỳ đại dịch.
Cô nói rằng phụ nữ thay vì cải thiện ngoại hình để thu hút đàn ông, điều họ mong muốn hơn là cơ thể khỏe mạnh - một “cơ thể hoạt động tốt”.
“Mọi người không thể có một thân hình xanh xao, gầy guộc mà vẫn cân đối được, vì vậy họ có xu hướng thay đổi tiêu chuẩn vẻ đẹp để phù hợp với mục tiêu của mình”, cô nói.
Một trong những điều thúc đẩy geongangmi thời gian gần đây là hiện tượng chụp ảnh hồ sơ cơ thể. Nhiều người trẻ đã đặt lịch chụp ảnh chuyên nghiệp, tạo dáng với nội y để khoe ra và lưu giữ vẻ đẹp săn chắc và khỏe mạnh của bản thân.
Thay đổi nhận thức
Một số nhà phê bình cho rằng geongangmi chỉ đơn thuần là thay thế các tiêu chuẩn vẻ đẹp cũ bằng những lý tưởng mới khắt khe hơn.
Một nữ blogger bình luận: “Tôi từng phải nhịn đói. Bây giờ tôi vừa phải nhịn đói vừa tập thể dục”.
Dẫu vậy, xu hướng geongangmi vẫn đang đi lên bất chấp việc sở hữu một thân hình mảnh mai vẫn là tiêu chuẩn làm đẹp nổi trội của phụ nữ ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong văn hóa về kỳ vọng xung quanh vai trò của phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc đang ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người về cái đẹp.
Yun Ji Yeong, nhà triết học nữ quyền và phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Changwon, cho biết từ năm 2015 đã có một phong trào ngày càng phát triển của phụ nữ từ chối kết hôn và muốn thử thách cuộc sống của họ ở Hàn Quốc.
“Nhiều phụ nữ đã tiếp xúc với tư tưởng nữ quyền, và điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến mong muốn cải thiện sức khỏe thực sự của phụ nữ Hàn Quốc, thay vì chỉ trông gầy và xinh”, Nikki Kim (32 tuổi), một nhân viên văn phòng, nhận định.
Kim tin rằng lý tưởng cái đẹp “trong sáng và mong manh” tồn tại lâu đời có nguồn gốc từ môi trường giáo dục Hàn Quốc vốn không khuyến khích các cô gái năng động.
“Trong lớp học thể dục, tất cả nam sinh chơi bóng đá và bóng rổ, trong khi nữ sinh thường không làm được gì nhiều ngoài việc trò chuyện rôm rả trong góc”, cô nói.
“Thỉnh thoảng, khi tôi muốn nhập bọn với tụi con trai chơi bóng rổ, họ sẽ bảo tôi quay lại ngồi một góc tám chuyện đi. Thế nhưng khi đi du học ở New Zealand, tôi đã rất ngạc nhiên vì mọi người (cả nam và nữ) đều muốn tham gia”, cô kể.
“Mọi thứ đã sai ngay từ đầu”, Kim nói, ý chỉ quan niệm và giáo dục về vẻ đẹp của phụ nữ ở Hàn Quốc.