Xu hướng giới trẻ Trung Quốc: Không thích về quê thăm người thân và đây là nguyên nhân
Bỏ nhóm WeChat gia đình, không thích về nhà, ít liên lạc với người thân, thậm chí có người còn khó nhớ tên anh em họ...
Tất cả những biểu hiện như vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc gọi chung là tình trạng “xa cách với gia đình”. Đặc biệt là ở giới trẻ khi mà ngày càng có nhiều người chọn rời nông thôn để lên thành phố học tập và làm việc.
Tâm lý ngại... về quê
Mỗi lần về quê cùng cha mẹ, Zhang Yuejia, 25 tuổi, nói rằng cô không thể không muốn né tránh. Đơn giản bởi trong những buổi họp mặt gia đình, các câu hỏi thăm về tình trạng bản thân từ dì bảy và dì tám khiến cô rất bức bối.
Vì thể diện của cha mẹ, cô chỉ có thể gượng gạo trả lời hoặc ngồi sang một bên cười trừ.
Những người họ hàng rất muốn hỏi về thu nhập và các mối quan hệ tình cảm của cô, kiểu như “Em đi làm mấy năm rồi, tại sao kiếm được ít như vậy?” hay “Bạn đã có mối quan hệ nào chưa? Đừng để mình một mình!"…
Kể từ đó, Zhang Yuejia không chịu theo bố mẹ về quê nữa. Cô chọn cách chơi game ở nhà một mình thay vì đi thăm họ hàng.
Trên mạng xã hội, các chủ đề như “Liệu thế hệ sinh ra vào những năm 2000 có ngừng đi thăm họ hàng?”, “Tại sao người trẻ lại không muốn đi thăm họ hàng”… nhiều lần đứng đầu lượt tìm kiếm trên các bảng xếp hạng.
“Không thường xuyên gặp nhau, nhưng lại thường can thiệp cuộc sống của nhau”, một số bài viết tương tự của cư dân mạng về người thân khiến nhiều người trẻ thấy đồng cảm.
PGS. Hu Xiaowu (khoa Xã hội học tại Đại học Nam Kinh) đã tranh thủ cơ hội sinh viên nghỉ Đông về quê ăn Tết và thực hiện một cuộc khảo sát bằng câu hỏi ngẫu nhiên, thu được tổng cộng 1.200 mẫu hợp lệ.
Kết quả cho thấy tuổi càng nhỏ thì càng ít tiếp xúc với người thân. Những người được hỏi dưới 18 tuổi “cơ bản không có nhiều liên lạc với người thân”; hầu hết những người ở độ tuổi 18-25 và 26-30 chỉ “thỉnh thoảng có liên lạc với người thân”. Từ đó cho thấy càng lớn tuổi thì mức độ liên lạc với họ hàng càng thường xuyên.
Đại đa số những người trẻ sinh ra trong thập niên 1990 và 2000 hiếm khi liên lạc với người thân nếu họ không có gì để làm ở nhà.
Trước đó, một khảo sát liên quan do Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện trên gần 4.000 thanh niên cũng cho thấy hơn 80% số người được hỏi có tiếp xúc với cha mẹ và người thân một, hai lần mỗi năm, còn lại gần 25% số người được hỏi về cơ bản không thăm người thân.
Can thiệp đời tư cá nhân quá nhiều
Người Trung Quốc từ xa xưa đã rất coi trọng quan hệ huyết thống, họ hàng. Đâu là nguyên nhân khiến một bộ phận người trẻ hiện nay ngày càng muốn rời xa người thân?
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự tăng tốc của quá trình đô thị hóa của Trung Quốc là một lý do quan trọng.
Theo Cục Thống kê quốc gia, vào cuối năm 1949, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ là 10,64%, đến cuối năm 2021 đã đạt 64,72%.
Trong quá trình đô thị hóa, các mối quan hệ gia đình truyền thống liên tục bị phá vỡ, nhiều người rời bỏ quê hương, tìm kiếm học vấn và cuộc sống ở các thành phố lớn.
Thế hệ sau của họ, bao gồm những người sinh ra vào thập niên 1990 và 2000, thiếu sự gần gũi và giao tiếp sâu sắc với các thành viên trong gia đình lớn. Điều này khiến mối quan hệ dần xa cách, gây ra sự cách biệt về tâm lý, làm giảm dần năng lực xác định quan hệ họ hàng và dòng dõi cho người dân Trung Quốc.
Ông Hu Xiaowu cho biết, quá trình hiện đại hóa và tăng năng suất lao động đã giúp các gia đình về cơ bản có thể đạt được sự độc lập về kinh tế, do đó, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa những người thân trở nên không còn quá cần thiết.
Sự khác biệt và mâu thuẫn giữa các thế hệ cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số thanh niên tự nguyện cô lập mối quan hệ với gia đình. Thúc giục kết hôn, "lên giọng" chỉ bảo, hỏi han chuyện riêng tư... những điều này trong mắt người lớn tuổi dường như là “quan tâm”, nhưng người trẻ lại coi đó là sự can thiệp quá sâu vào đời tư cá nhân và rất dễ gây ra xung đột.
Anh Qian Sitong, 28 tuổi, là một tiến sĩ thường xuyên bị cha mẹ hối thúc tìm bạn đời. “Cứ khi nào gia đình ngồi lại với nhau, chủ đề sẽ là giục tôi tìm bạn đời và kết hôn trước 30 tuổi”, anh ngán ngẩm nói.
“Dù bạn có giỏi đến đâu, có tài năng đến đâu, đối với họ, nếu bạn chưa kết hôn thì cuộc đời của bạn vẫn còn thiếu sót, và người thân của bạn luôn thích dùng câu 'là vì tốt cho bạn' để hướng dẫn cuộc sống của bạn”.
Ngoài ra, thế hệ Z từ nhỏ đã tiếp xúc với Internet nên họ thường theo đuổi lối sống mang tính cá nhân, thích chọn bạn bè dựa trên các giá trị và sở thích của riêng hơn là dành thời gian và năng lượng để duy trì các mối quan hệ gia đình.
Tuy nhiên, mỗi người đều neo đậu trong lòng mình một quê hương. Khi lấy chồng, sinh con và trải qua thử thách của thời gian, những người thuộc thế hệ 1980 như Meng Han biết cách dần dần yêu thương và thường nhắc đến người thân ở quê nhà với mẹ mình hơn.
Mỗi lần về quê, khi nhìn thấy người thân già đi và vẫn nắm lấy tay cô ấy gọi tên thân mật, Meng Han cảm thấy rất xúc động, nhận ra rằng tình thân sẽ mãi không thể cắt đứt trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta...