Xu hướng mặc đồ bảo hộ lao động
Quần áo bảo hộ lao động như áo yếm denim, quần lái xe... vốn dành cho tầng lớp riêng biệt. Tuy nhiên, ngày nay, thiết kế này xuất hiện ở mọi nơi với giá đắt đỏ.
Suốt nhiều thập kỷ, quần áo bảo hộ lao động đã đi xa hơn mục đích ban đầu nó được tạo ra. Thay vì trở thành món đồ trợ giúp cho người lao động chân tay, loại trang phục này lại được tín đồ thời trang ưa chuộng. Tới giờ, khi nhìn vào những món đồ bảo hộ lao động, người ta nghĩ nhiều về tính thời trang hơn chức năng ban đầu.
Đồ bảo hộ lao động không dành cho người lao động
Đó là thực tế của ngành thời trang hiện tại. Cây viết Max Lakin từ tờ Mr Porter chia sẻ ngày trước, bạn có thể dễ dàng phân biệt người đàn ông làm việc ở công trường và người khác đang trên đường mua cốc macchiato vào buổi sáng. Tuy nhiên, ngày nay, mọi thứ đã thay đổi.
"Những người đàn ông sành điệu ở thành phố cũng mặc như thể họ đang hàn dây thép trên tầng 50", Lakin nói về xu hướng mặc đồ bảo hộ lao động.
Dickies - thương hiệu thời trang đường phố lớn - khởi đầu bằng việc kinh doanh quần áo bảo hộ lao động từ năm 1922. Theo Dickies, từ năm 1943, khi phụ nữ gia nhập lực lượng lao động công nghiệp hậu chiến tranh Thế giới thứ hai, những mẫu đồ bảo hộ lao động đã tiến dần vào ngành công nghiệp thời trang.
Đến những năm 1960, 1970, xu hướng thời trang bắt đầu có sự góp mặt của những đồ bảo hộ như quần yếm. Sang tới những năm 1980, đồ bảo hộ lao động trở thành "trend" thời trang dạo phố. Đến năm 1992, các vận động viên trượt băng bắt đầu sử dụng quần của Dickies vì sự thuận tiện, co giãn.
Từ đây, quần áo bảo hộ lao động đã không còn nhất thiết phải dành cho người lao động.
"Không giống nhóm đầu tiên sử dụng đồ bảo hộ lao động như công cụ, những người mua sắm hiện đại thích chúng vì vẻ đẹp. Tính thực dụng, giá cả không phải vấn đề quá quan trọng khi nói về thời trang. Họ sẵn sàng chi hàng đống tiền để mua những món đồ đó", - trích tờ Inputmag.
Cũng theo tờ Inputmag, sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội đã thúc đẩy trào lưu này. Nó thoát khỏi nền văn hóa phụ trong quá khứ và xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Thậm chí, trong tủ đồ của người nổi tiếng cũng xuất hiện những loại trang phục này.
Đồ thời thượng để làm vườn
Phil Courtman (42 tuổi) làm nghề lợp mái suốt 25 năm. Khi đi làm, anh đều dùng đồ của Carhartt. Đây là thương hiệu chuyên đồ bảo hộ lao động, thành lập từ năm 1889. Tuy nhiên, tới năm 1990, Carhartt đã ra mắt thêm dòng sản phẩm riêng, đắt tiền hơn, đặt tên là Carhartt WIP (WIP: Work In Progress).
Chiếc quần của Carhartt giúp Courtman không bị bỏng bởi hắc ín. "Lợp mái giống đi xe đạp vậy. Ngoại trừ việc chiếc xe đạp như bốc cháy còn bạn đang trong địa ngục", ông nói về công việc của mình. Có những ngày, Courtman phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ hơn 100 độ C. Với ông, đồ bảo hộ là vật bất ly thân.
Khác với những tín đồ thời trang, Courtman không bao giờ mặc chiếc quần Carhartt của mình khi đi ăn tối. Tuy nhiên, ông biết có những người như vậy. Đơn giản, với Courtman, ai lại muốn mặc đồ đi làm trong lúc nghỉ ngơi.
Trước kia, Courtman không biết Carhartt có thêm dòng sản phẩm riêng biệt. Ông không tin nổi việc phải trả hơn 300 USD cho chiếc quần chở hàng (có giá dưới 100 USD).
"Tôi không bao giờ trả nhiều tiền như thế cho đồ bảo hộ lao động. Trừ khi nó đi kèm thêm chiếc ôtô hoặc tính năng bảo vệ khỏi bức xạ. Carhartt thường đã đắt lắm rồi. Chiếc quần vải tôi hay mặc đã tăng từ 60 USD lên 85 USD trong những năm qua", ông nói.
Vợ Courtman - bà Mona - cho biết chồng bà chỉ mua đồ từ cửa hàng chính thức của Carhartt. Họ không muốn chi tiền mua hàng trăm bộ đồ kém chất lượng và rồi vứt đi sau 6 tháng. Với những người như nhà Courtman, chất lượng, độ bền quan trọng hơn cả.
"Chúng tôi mới là những người lao động thực sự", bà Mona nói.
Đó là sự thật. Những tín đồ thời trang đang trả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD để có vẻ ngoài như Courtman. Trong những năm qua, các món đồ trông cũ kỹ, bẩn thỉu dường như dễ dàng tạo được "rung cảm" với người mua. Trớ trêu thay, ngoại hình của những món đồ ấy lại tương phản với giá cả.
"Đó là định nghĩa mới về những người giàu bẩn thỉu", trích tờ Inputmag.
Xu hướng của hiện tại
Theresa Massony - biên tập viên phong cách cấp cao của Elite Daily - nói không thể phủ nhận độ phổ biến của đồ bảo hộ lao động.
"Tín đồ thời trang sành điệu ở các vùng đô thị yêu thích Dickies, Carhartt và thậm chí là Wranglers and Dockers. Vài năm trước, các nhãn hiệu thời trang lớn như Celine, Vetements và Stella McCartney còn sử dụng những bộ đồ này trên sàn diễn thời trang", cô chia sẻ.
Mặt khác, theo Massony, sức hút của đồ bảo hộ lao động còn đến từ đặc điểm phi giới tính. Mọi người đều có thể mặc chúng và không phải nhận bất kỳ sự soi mói từ ai.
"Ngay cả bên ngoài cộng đồng LGBTQ+, đồ bảo hộ lao động cũng phát triển mạnh. Nó thực sự hấp dẫn", Massony chia sẻ.
Tuy nhiên, với sự lớn mạnh nhanh chóng của cộng đồng thời trang mặc đồ bảo hộ, Massony lo sợ những người lao động sẽ chịu ảnh hưởng. Giá cả tăng mạnh và điều đó khiến họ trở nên khó khăn hơn.
Cô cảnh báo các thương hiệu như Dickies hay Carhartt cần dành sự quan tâm cho nhóm đối tượng này.
Cô nói: "Quần áo bảo hộ lao động gắn liền với sinh kế của người dân. Các thương hiệu cần nhớ và truyền đạt cho người mua nguồn gốc của xu hướng này tới từ đâu. Nếu không có những người đó, đồ bảo hộ lao động sẽ chẳng là gì".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-huong-mac-do-bao-ho-lao-dong-post1274818.html