Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ giảm tốc trên toàn cầu

Đã có năm ngân hàng trung ương - giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất - tổ chức họp chính sách trong tháng Tư.

Đồng euro tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng euro tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Xu hướng giảm lãi suất tại các ngân hàng trung ương lớn đã chậm lại trong tháng Tư, khi các nhà hoạch định chính sách đối mặt với sự bất định trong triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát sau khi căng thẳng thương mại leo thang.

Đã có năm ngân hàng trung ương - giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất - tổ chức họp chính sách trong tháng Tư. Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã hạ lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm. Các ngân hàng trung ương ở Australia, Nhật Bản và Canada đã giữ nguyên lãi suất.

Trước đó, vào tháng Hai, một nửa số ngân hàng trung ương thuộc Nhóm G10 (gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ) đã cắt giảm lãi suất.

Theo tính toán của Reuters, tổng mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G10 trong năm nay là 0,25 điểm phần trăm (thông qua một lần tăng lãi suất của Nhật Bản), trong khi tổng mức độ nới lỏng chính sách là 3,25 điểm phần trăm (thông qua 12 lần giảm lãi suất).

Tình hình ở các thị trường mới nổi cũng tương tự, với tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm lại, theo khảo sát của Reuters trên 18 ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển. Trong số 13 ngân hàng trung ương đã tổ chức họp, chỉ có 4 ngân hàng giảm lãi suất. Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Colombia đều giảm 0,25 điểm phần trăm, trong khi 8 ngân hàng còn lại giữ nguyên lãi suất.

Chuyên gia Jon Harrison của công ty TS Lombard cho biết, sự biến động của đồng USD, những bất ổn xoay quanh chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại rằng chính sách ngoại giao thuế quan sẽ thúc đẩy dòng vốn tháo chạy đã khiến một số ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi thận trọng hơn trong các quyết định gần đây. Ông lấy dẫn chứng là Hàn Quốc và Indonesia, hai nước đã giữ nguyên lãi suất bất chấp lạm phát thấp và triển vọng tăng trưởng đang xấu đi.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ tăng mạnh lãi suất 3,5 điểm phần trăm để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy do tình trạng bất ổn chính trị trong nước.

Động thái mới nhất này ở Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với hai lần tăng lãi suất của Brazil (Bra-xin) kể từ đầu năm, đã nâng tổng mức thắt chặt được thực hiện cho đến nay trong năm 2025 ở các thị trường mới nổi 5,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, tổng mức nới lỏng chính sách ở các thị trường mới nổi là 8,5 điểm phần trăm thông qua 14 lần cắt giảm lãi suất.

Thị trường đang hướng sự chú ý đến Fed. Ngân hàng này sẽ kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 7/5 (giờ địa phương). Ông Jean Boivin, người đứng đầu Viện Đầu tư BlackRock, cho biết Fed đang phải đối mặt với bài toán khó trong việc cân bằng giữa hoạt động kinh tế đang suy yếu và tình trạng lạm phát dai dẳng tại cuộc họp tuần này.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-noi-long-chinh-sach-tien-te-giam-toc-tren-toan-cau/372759.html