Xu hướng phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi tích hợp

Trong thời gian qua, xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi theo hướng đề cao sự tiện lợi đã khiến mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh chóng ở Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng.

Một cửa hàng tiện lợi theo hướng tích hợp tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

Một cửa hàng tiện lợi theo hướng tích hợp tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

Tiềm năng phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích cho cuộc sống, gia đình ở địa bàn tỉnh rất lớn nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, các cửa hàng này sẽ phải “chuyển mình” để thích ứng, cạnh tranh và thu hút khách hàng, nhất là giới trẻ.

* Nhiều thương hiệu lớn “đổ bộ”

Theo Sở Công thương, tính đến nay, toàn tỉnh có 287 cửa hàng tiện lợi do doanh nghiệp thực hiện đang hoạt động, tăng 29 cửa hàng so với đầu năm nay. Trong đó, có 83 cửa hàng thuộc hệ thống Winmart+, 4 cửa hàng Co.opFood, 139 cửa hàng thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh, 38 cửa hàng thuộc các chuỗi Pork shop và Fresh shop, 17 cửa hàng tiện lợi GS25, 4 cửa hàng Circle K và 2 cửa hàng của FamilyMart.

Ngoài hệ thống các cửa hàng tiện lợi được các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh theo chuỗi hệ thống như: Bách Hóa Xanh, Winmart+, Co.op food…, còn có nhiều cửa hàng do các hộ kinh doanh đăng ký và kinh doanh theo loại hình tổng hợp (cửa hàng bách hóa tổng hợp), các cửa hàng chuyên doanh về kim khí điện máy, các cửa hàng kinh doanh về sữa, đồ dùng cho mẹ và bé…

Nhiều chuyên gia cho rằng, các hình thức mua sắm trực tiếp, trong đó có các mô hình cửa hàng tiện lợi… đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang các hình thức mua bán hiện đại để tránh tiếp xúc trực tiếp quá nhiều giữa người mua - người bán, đồng thời dần hướng tới các kênh mua hàng trực tuyến, mua hàng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…

Mặc dù được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, song đây cũng là cuộc chiến khá gay go, khốc liệt. Năm vừa qua, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi trên cả nước cũng như tại Đồng Nai đã phải đóng cửa các điểm bán hoạt động không hiệu quả hoặc tái cơ cấu các điểm bán trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, vấn đề quản trị nhân sự, nền kinh tế khó khăn… Điều này cho thấy, nếu không mạnh dạn tái cơ cấu, các doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại thị trường.

“Mảnh đất chật” nhưng sức hút của thị trường này vẫn vô cùng rộng mở. Cụ thể là tại Đồng Nai, thời gian gần đây chứng kiến sự xuất hiện của những “ông lớn” trong thị trường cửa hàng tiện lợi toàn cầu như FamilyMart, Circle K, GS25… Những “ông lớn” này từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, tạo thêm sự phong phú trong mô hình bán lẻ hiện đại tại Đồng Nai, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân tại khu dân cư, giới trẻ. Qua đó góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại.

Tổng giám đốc Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam Kirimura Akira cho biết, vì công ty đến từ Nhật Bản, được thành lập vào năm 2009 nên tôn chỉ hoạt động là luôn mang đến những dịch vụ, trải nghiệm, sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Việc đầu tư vào một thị trường mới, rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển như Đồng Nai là bước khẳng định FamilyMart là một trong những thương hiệu cửa hàng tiện lợi hàng đầu mang tiện ích cũng như hạnh phúc đến khách hàng.

* Thu hút giới trẻ

Cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển mạnh dưới dạng một mô hình kinh doanh bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ, bán những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày (tương tự như cửa hàng tạp hóa), đồng thời kết hợp với một số dịch vụ thuận tiện cho người tiêu dùng như: thanh toán hóa đơn điện, nước, internet; bán sim/thẻ điện thoại... Các mô hình này thu hút nhiều người dân hiện đại ở đô thị, nhất là giới trẻ mua sắm, sử dụng dịch vụ.

Đặc biệt, tại đây khách hàng có thể mua đồ ăn nhanh và sử dụng tại chỗ, thậm chí có những cửa hàng còn phục vụ 24/7. Có thể nói, các cửa hàng này là phiên bản nâng cấp của mô hình kinh doanh tạp hóa truyền thống nhưng có thêm ưu điểm về bố trí khoa học, không gian trải nghiệm và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Anh Đặng Đăng Khoa, sinh viên một trường đại học tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, xu hướng tiêu dùng nhanh, tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng đón nhận cùng với các vị trí thuận lợi, bám sát địa bàn dân cư, trường học đã giúp cửa hàng tiện lợi “trăm hoa đua nở”.

“Khách hàng, đặc biệt là giới trẻ như tôi thường ưu tiên lựa chọn những cửa hàng tiện lợi gần nhà, trường học mang lại những trải nghiệm mua sắm thuận tiện, đa dạng, có tích hợp các dịch vụ đi kèm như: có chỗ ngồi ăn uống tại chỗ, giờ giấc phục vụ linh hoạt và không gian thoải mái, sạch sẽ… Bên cạnh đó, sản phẩm có giá hợp lý, có nguồn gốc rõ ràng, tươi mới cũng là những yếu tố thu hút khách hàng hiện đại chi tiêu” - anh Đăng Khoa chia sẻ.

Tương tự, chị Thanh Hường, nhân viên văn phòng ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi siêu thị vào dịp cuối tuần, nhưng nay đã có thêm nhiều lựa chọn mua sắm khi nhiều cửa hàng tiện lợi mới mọc lên gần nhà và chỗ làm việc. Bên cạnh các tiện ích mua sắm thì các cửa hàng này còn cung cấp các tiện ích, trải nghiệm mua sắm mới như: khu vực phục vụ ăn uống tại chỗ để khách hàng trải nghiệm, tán gẫu; tích hợp nhiều hình thức thanh toán như: quẹt thẻ, sử dụng mã QR, ví điện tử; chính sách loyalty (khách hàng thân thiết) để tích điểm, nhận ưu đãi, khuyến mãi…”

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/xu-huong-phat-trien-chuoi-cua-hang-tien-loi-tich-hop-3172903/