Xu hướng phát triển của lĩnh vực kế toán và cơ hội với Việt Nam
Hội nhập kinh tế gắn với công nghệ số nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải đổi mới tư duy và hành động gắn với thực tiễn, đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực nhất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên công nghệ số, kết nối toàn cầu, mang lại cơ hội phát triển cho tất cả các ngành nghề, linh vực; trong đó, lĩnh vực kế toán bị tác động rõ nét nhất. Khi ứng dụng công nghệ số, công tác kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Người làm kế toán có thể thực hiện công việc ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới, nếu đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu của kế toán.
Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu, nhưng những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra… thì luôn cần có sự tham gia của con người. Trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán.
Theo khảo sát của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) về kế toán chuyên nghiệp tương lai diễn ra trên 22 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam cho thấy: 55% số người được khảo sát trả lời cho rằng, sự phát triển của hệ thống kế toán tự động được đánh giá tác động cao nhất trong các xu hướng, bên cạnh xu hướng như hài hòa chuẩn mực kế toán (42%), sự xâm nhập của điện toán đám mây trong kinh doanh (41%), sự biến động kinh tế (42%)…
Các giai đoạn như thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin đều có thể được máy móc thay thế, nhưng đòi hỏi người làm kế toán phải hiểu về công nghệ, sử dụng công nghệ cho công việc của mình thành thạo.
Như vậy, sự bùng nổ của công nghệ, cùng với quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạng mẽ đang và sẽ tác động không nhỏ đến lĩnh vực kế toán, tạo ra xu hướng phát triển mới, cụ thể:
Kế toán sẽ sử dụng công nghệ ngày càng thông minh, tinh vi để nâng cao hiệu quả so với cách làm việc truyền thống và các công nghệ này có thể thay thế cách tiếp cận truyền thống. Hệ thống phần mềm thông minh (bao gồm điện toán đám mây) sẽ hỗ trợ xu hướng sử dụng dịch vụ thuê ngoài và sử dụng nhiều hơn các phương tiện truyền thông xã hội thông qua công nghệ thông minh nhằm cải thiện cách làm việc, công bố thông tin, cam kết với bên liên quan và cộng đồng.
Phương tiện truyền thông xã hội (bao gồm Facebook, Twitter, Google) sẽ công bố thêm nhiều dữ liệu (gồm cả báo cáo thay thế) hơn bất kỳ Báo cáo đảm bảo nào và các bên liên quan sẽ sử dụng các công cụ để giải thích “big data”.
Toàn cầu hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực kết toán. Trong khi toàn cầu hóa khuyến khích sự di chuyển tự do của dòng tiền trên các thị trường vốn, tăng sử dụng dịch vụ thuê ngoài của nước ngoài và chuyển giao kỹ năng nghề nghiệp đồng thời tiếp tục đặt ra các đe dọa trong việc giải quyết các vấn đề địa phương (với sự khác biệt về văn hóa, tài chính, thuế). Điều này tạo sự thay đổi về nhân lực trong ngành kế toán đối với Việt Nam cũng như các nước.
Các quy định mới cùng với quy tắc công bố thông tin liên quan, sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành nghề trong những năm tới. Theo đó, người làm kế toán chuyên nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định về thuế liên chính phủ để hạn chế chiến dịch chuyển lợi nhuận để tránh thuế.
Cuộc cách mạng công nghệ số cùng với xu thế hội nhập mạnh mẽ đã và đang mang tới nhiều cơ hội trong lĩnh vực kế toán. Thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với mạng không dây đã rút ngắn khoảng cách địa lý trong thực hiện công việc kế toán.
Nghĩa là, kế toán toán viên có thể thực hiện công việc kế toán ở bất kỳ đâu, nếu cá nhân tổ chức thực hiện công việc kế toán đó đáp ứng đủ điều kiện hành nghề. Đây là cơ hội lớn đối với người hành nghề kế toán, cũng như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam.
Những tiến bộ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán Việt Nam phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn.
Việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới sẽ mở ra cơ hội để ngành kế toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích với chi phí phù hợp. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiệm cận hệ thống kế toán quốc tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kế toán nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phân khúc thị trường.