Xu hướng phát triển đô thị sinh thái tại châu Á

Các đô thị sinh thái là mục tiêu mà nhiều quốc gia châu Á đang hướng đến nhằm duy trì phát triển kinh tế và đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Châu Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, với hơn 2,2 tỷ người - hiện đang sống tại các TP, chiếm khoảng 54% dân số đô thị toàn cầu. Dự kiến đến năm 2050, dân số đô thị ở châu Á sẽ tăng thêm 1,2 tỷ lệ người, tức là tăng gần 50% so với hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh cũng đặt ra những áp lực đối với môi trường. Hàng triệu người ở các TP châu Á đang bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao và ô nhiễm không khí, khi mà khu vực này chiếm tới hơn 57% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Một trong những giải pháp đối phó với tình trạng trên là việc phát triển các đô thị sinh thái, tạo ra những không gian sống chất lượng, nơi cư dân có thể sống, làm việc và vui chơi, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.

Hồ Huifeng Creek ở TP sinh thái Thiên Tân Trung-Singapore. Ảnh: SSTEC

Hồ Huifeng Creek ở TP sinh thái Thiên Tân Trung-Singapore. Ảnh: SSTEC

Một ví dụ điển hình là TP sinh thái Thiên Tân Trung Quốc - Singapore (SSTE) ở Trung Quốc. Từ một vùng đất hoang không thể ở, nơi đây đã trở thành một khu đô thị đáng sống. Với diện tích vào khoảng 30 km², TP là nơi sinh sống của hơn 150.000 người và là trụ sở của 30.000 công ty. Được khởi công vào năm 2007, TP sinh thái là một dự án hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Singapore, với mục tiêu biến vùng đất hoang không thể canh tác thành một thành phố bền vững và đáng sống, tận dụng chuyên môn trong các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, quản lý nước và chất thải và phát triển bền vững.

Trung Quốc hiện đang trải qua quá trình đô thị hóa quy mô lớn, với mục tiêu xây dựng đô thị tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế và hài hòa xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu hướng dẫn trong giải quyết các vấn đề môi trường đô thị đã thúc đẩy quốc gia này hợp tác với Singapore để phát triển SSTE. Đến nay, SSTE đã đạt được những thành tựu đáng kể như: tất cả các vùng đất ngập nước được bảo vệ, tất cả các tòa nhà đều tiết kiệm nước và năng lượng, và tất cả các khu dân cư đều cách công viên hoặc không gian xanh năm phút đi bộ.

Tòa nhà tại SSTE được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng xanh, với các hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên, cùng với các hệ thống năng lượng tái tạo và kỹ thuật tái chế nước. Tất cả những yếu tố này giúp tạo ra một thành phố thân thiện với môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân.

Ở những quốc gia khác tại Châu Á, các TP cũng đang xây dựng nhiều khu đô thị bền vững nhằm ứng phó với thách thức từ biến đổi khí hậu.

TP Singapore cũng đang nỗ lực cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong vòng 50 năm qua, Vịnh Marina thuộc bờ biển phía Nam Singapore đã phát triển trở thành khu đô thị hiện đại với Gardens by the Bay - khu vườn biểu tượng giúp TP Singapore hoàn thành mục tiêu “Thành phố trong vườn”.

Nhằm cải thiện chất lượng sống của người dân và tạo bầu không khí trong lành cho TP, Gardens by the Bay được thiết kế với hệ thống cây xanh và thảm thực vật dày đặc. Đồng thời, khu vườn này cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Hơn nữa, đây là một ví dụ điển hình về cách một TP có thể cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các mục tiêu bền vững. Các khu vườn được thiết kế nhằm tiết kiệm năng lượng và nước - chuyển đổi chất thải từ hoạt động làm vườn thành năng lượng dùng để làm mát nhà kính, tận dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng cây, và thu thập nước mưa trong các hồ được làm sạch bởi các loài thực vật thủy sinh để tưới tiêu cho các khu vườn.

Tại Malaysia, TP Putrajaya, cách Kuala Lumpur khoảng 25 km về phía Nam, cũng đang phát triển theo xu hướng bền vững. Từ năm 1997, Putrajaya đã xây dựng vùng đất ngập nước với mục tiêu xử lý nước thải từ Hồ Putrajaya, nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Năm 2008, Malaysia khởi xướng chương trình trồng cây với mục tiêu trồng 900.000 cây xanh, không chỉ tại Putrajaya mà còn ở Kuala Lumpur.

Việc tăng cường thảm thực vật đô thị giúp giảm nhiệt độ ngoài trời và lưu trữ carbon, góp phần cải thiện chất lượng không khí. Thành phố này đang đẩy mạnh mô hình phát triển đô thị bền vững, một giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Các thành phố châu Á đang ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc phát triển đô thị bền vững. Từ mô hình thành phố sinh thái Thiên Tân tại Trung Quốc đến Marina Bay ở Singapore, hay Putrajaya tại Malaysia, các đô thị đang dần thay đổi để không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mà còn để bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-huong-phat-trien-do-thi-sinh-thai-tai-chau-a.html