Xu hướng quảng bá di sản với bảo tàng số

Hiện nay, việc phát triển các phòng trưng bày triển lãm, bảo tàng ảo là xu hướng chung của ngành bảo tàng thế giới. Các bảo tàng, di tích, cần bắt kịp xu hướng, tranh thủ cơ hội và mạnh dạn đầu tư để không tụt hậu và có cơ hội quảng bá di sản Việt Nam đến toàn cầu nhanh chóng.

Kể từ lần đầu thiết kế chương trình bảo tàng số đến với thế giới ngay trong thời gian Covid 19, cho đến ứng dụng công nghệ số trong triển lãm ảo, các ứng dụng trưng bày 3D, Audio Guide, rồi Graph Cinema, đã đưa công chúng đến với những trải nghiệm rất mới mẻ.

Lần đầu tiên xuất hiện và được quảng bá rộng rãi, hành trình tham quan ảo trên website Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian ngắn đã nhận được hàng ngàn lượt tương tác. Điều này cho thấy triển lãm trực tuyến đã kết nối con người, kết nối thế giới ngay trong đại dịch Covid, lúc con người cảm thấy cuộc sống đầy mong manh. Vai trò và ý nghĩa của triển lãm trực tuyến đã thu hút lượng người xem gấp cả nghìn lần so với triển lãm thông thường.

Việc xây dựng nội dung và vận hành thử nghiệm không gian triển lãm trực tuyến là bước đi mạnh mẽ, sáng tạo. Chuyển đổi số đã xóa đi giới hạn về khoảng cách, và thời gian, để kết nối mọi không gian. Trưng bày online còn là nơi chia sẻ thông tin về các di sản hay cổ vật giá trị lâu nay lưu giữ tại các bảo tàng, từ đó lan tỏa sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ nghệ sỹ để con người có thêm không gian mới và sân chơi mới.

Công nghệ số là xu hướng tất yếu, ngày càng tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quảng bá di sản, công nghệ số đang làm thay đổi cách thức tiếp cận, đặc biệt trong việc phát huy giá trị di sản, làm cho di sản trở nên sống động, gần gũi hơn đối với công chúng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xu-huong-quang-ba-di-san-voi-bao-tang-so-204001.htm