Xu hướng sử dụng nhân viên ảo dựa trên AI của Trung Quốc
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến sẽ áp dụng thêm nhiều lao động ảo dựa trên AI trong những năm tới. Công nghệ này đặc biệt bùng nổ sau khi China Vanke trao giải nhân viên suất xắc cho robot AI
Tiềm năng tăng trưởng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc dường như vẫn còn mạnh mẽ, sau động thái gần đây của nhà phát triển bất động sản China Vanke khi trao giải "Người mới xuất sắc tại Trụ sở Vanke năm 2021" cho người thu nợ ảo do nội bộ công ty phát triển.
Phần mềm thu nợ ảo có tên Cui Xiaopan, được thể hiện bằng hình đại diện nữ giống như thật. Theo bài đăng trên WeChat Moments của Chủ tịch China Vanke Yu Liang vào ngày 20 tháng 12, ông ghi nhận nhân viên ảo dựa trên công nghệ AI đã chứng minh hiệu quả hơn nhiều so với con người trong việc thúc ép các con nợ và nhắc họ trả tiền. Cui ghi nhận “tỷ lệ thành công 91,4% trong việc thu các khoản phải thu và các khoản trả nợ quá hạn”. Cui được phát triển bởi đơn vị Longtaitou của China Vanke, sử dụng hệ thống AI Xiaoice của Microsoft Corp.
Sự phát triển đó đã trở thành một ví dụ điển hình về lý do tại sao Trung Quốc - quốc gia có kế hoạch dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, được dự đoán sẽ triển khai nhiều nhân viên ảo hơn trong năm nay, theo một báo cáo của công ty tư vấn Analysys mới được công bố gần đây.
Công cụ thu nợ ảo của China Vanke là một trong những ứng dụng AI mới nhất tạo ra nhiều tiếng vang ở Đại lục trong những năm gần đây, sau sự kiện về phóng viên robot của Tencent Holdings “Dreamwriter” có thể tạo ra bài viết 1.000 từ trong 60 giây, và người dẫn tin tức truyền hình AI của Tân Hoa xã.
Báo cáo của Analysys cho biết “sẽ xuất hiện thêm“ nhiều nhân viên ảo có cả năng lực kinh doanh và công nghệ trong số các công ty được trang bị tự động hóa quy trình bằng robot, nền tảng phát triển mã thấp và công nghệ trí tuệ nhân tạo. “Khi những nhân viên ảo nêu gương với hiệu suất làm việc cao, các nhân viên khác cũng cảm thấy được khuyến khích cải thiện kỹ năng của họ, cuối cùng sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty”.
China Vanke, doanh nghiệp bất động sản lớn thứ ba của đất nước với khoảng 140.000 nhân viên, đã được biết đến với việc triển khai nhanh chóng công nghệ, bao gồm cả đầu bếp robot để chuẩn bị bữa trưa, tại các dự án khác nhau của họ ở đại lục để tiết kiệm nguồn nhân lực và duy trì mức tiêu chuẩn cho các dịch vụ của doanh nghiệp.
Wang Shi, người sáng lập và cựu chủ tịch của tập đoàn bất động sản niêm yết tại Hồng Kông và Thâm Quyến, cho biết vào năm 2015 rằng 40% các dịch vụ quản lý bất động sản của họ - từ quét sàn đến bảo vệ bất động sản - sẽ được thực hiện bởi robot trong 10 năm tới.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ IDC, tại thị trường phần mềm AI của Trung Quốc, các ứng dụng cho robot AI hoặc con người ảo đã trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay. Dự báo giá trị của mảng phần mềm này sẽ đạt 23 tỉ nhân dân tệ (3,6 tỉ USD) vào năm 2030.
Việc sử dụng nhân viên ảo đã trở nên phổ biến trong các lĩnh vực bán lẻ và giải trí ở Trung Quốc. Ví dụ, những thần tượng ảo đã thu hút được trí tưởng tượng của người dân Trung Quốc sau khi bước đầu thành danh ở Nhật Bản vào những năm 1990. Thần tượng ảo đã trở thành xu hướng chủ đạo trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các công ty như chuỗi chăm sóc sức khỏe cá nhân Watsons và gã khổng lồ mỹ phẩm L’Oreal đều có những thần tượng ảo của riêng họ để giao tiếp với người tiêu dùng.
Mei Chen, người đứng đầu mảng thời trang sang trọng của Alibaba Group Holding tại Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Bắc Âu, cho biết: “Những KOL (người có ảnh hưởng) ảo cực kỳ phổ biến đối với người hâm mộ trẻ tuổi, đặc biệt là người tiêu dùng Gen-Z (thế hệ sinh từ năm 1997 đến 2012), những người luôn tò mò muốn thử nghiệm điều mới”.
Thị trường thần tượng ảo của Trung Quốc dự kiến đạt 12 tỉ nhân dân tệ trong năm nay, tăng từ 1,2 tỉ nhân dân tệ vào năm 2018, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường iiMedia.