Xu hướng tăng giá trên thị trường gạo có phải là 'biến động kỹ thuật'?
Các nhà phân tích cho rằng thời tiết cực đoan và hiện tượng hạn hán do El Nino là những tác nhân quan trọng thúc đẩy giá gạo tăng.
Theo Báo Người quan sát Thượng Hải, số liệu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố mới đây cho thấy chỉ số giá gạo toàn cầu tháng Bảy tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 129,7 điểm, mức cao nhất trong gần 12 năm. Trong đó, điểm đáng chú ý là giá gạo châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua. Thời tiết cực đoan liên tục, đi kèm việc các nước sản xuất lúa gạo lớn hạn chế xuất khẩu... được coi là động lực đằng sau hiện tượng tăng giá gạo.
Giá gạo tăng vọt
Gạo Thái Lan ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất. Theo số liệu do Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan công bố hôm 9/8, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 648 USD/tấn trong tuần vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, cao hơn gần 50% so với năm ngoái. Trong một năm qua, giá gạo toàn cầu đã tăng 15-20%.
Ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch kinh doanh gạo của tổ chức Orange Ấn Độ, cho biết tác động của El Nino không giới hạn ở một quốc gia, mà ảnh hưởng đến sản lượng của hầu hết các nước sản xuất gạo. Ví dụ, Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với mối đe dọa hạn hán. Trong khi đó, vụ thu hoạch mùa Hè và mùa Thu của Việt Nam nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi lượng mưa cao. Tại Pakistan, lũ lụt thảm khốc xảy ra năm 2022 đã cuốn trôi hầu hết các loại cây trồng. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, trong khi giá gạo của Thái Lan và Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong hai năm.
Sản lượng gạo của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, cũng đã bị sụt giảm nghiêm trọng, do thời tiết bất thường. Chính phủ nước này đã buộc phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo tẻ, vào tháng trước, để bình ổn giá cả trong nước và đảm bảo nguồn cung thị trường.
Báo cáo của FAO cho biết, tác động tiềm tàng của thời tiết khắc nghiệt và hiện tượng El Nino đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung gạo toàn cầu và đẩy giá gạo lên mức cao hơn.
Ấn Độ, chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo toàn cầu, đã xuất khẩu khoảng 56 triệu tấn trong năm 2022. Lệnh thắt chặt "túi gạo" của nước này có thể khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải chịu đói.
Ông Hồ Băng Xuyên, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định hiện tượng El Nino và lũ lụt đang diễn ra thường xuyên hơn. Các hiện tượng này có thể dẫn đến sản lượng lúa gạo sụt giảm ở một mức độ nhất định. Nhưng theo ông Hồ Băng Xuyên, giá gạo tăng trong tháng Bảy chủ yếu là do lệnh hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia.
Chuyên gia Trương Quân, Trưởng khoa kinh tế tại Đại học Phúc Đán, cho biết Ấn Độ là quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất, với khối lượng đất canh tác chiếm 1/10 của thế giới. Sự sụt giảm sản lượng ngũ cốc cùng với việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến giá gạo thế giới.
Thị trường lương thực thế giới – "khó chồng khó"
Tháng trước, Nga đã tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, gây đứt đoạn tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ra thế giới, đẩy thị trường lương thực toàn cầu lâm vào khó khăn chồng chất. Theo báo cáo của FAO, giá lúa mỳ quốc tế tăng 1,6% trong tháng Bảy, lần tăng đầu tiên trong vòng chín tháng gần đây, do sự không chắc chắn về xuất khẩu của Ukraine.
Ông Trương Quân cũng chỉ ra rằng giá gạo cao ở một mức độ nào đó cũng là kết quả của sự co lại của thương mại toàn cầu. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các nước đang điều chỉnh tư duy chiến lược đối với thương mại: Tư duy toàn cầu hóa đang rút lui, trong khi tư duy tự cung tự cấp đang gia tăng. Hầu hết các nước đều ưu tiên nhiều hơn cho an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh lương thực, đồng thời mong muốn giảm sự phụ thuộc vào thương mại, thay vì tìm kiếm giải quyết vấn đề thông qua thương mại như trước đây.
Ông Trương Quân nói: "Sự thay đổi này đã dẫn đến sự co lại khách quan trong thương mại lương thực toàn cầu và kéo theo biến động giá lương thực quốc tế".
Giá gạo sẽ tiếp tục tăng
Các nhà phân tích tin rằng xu hướng giá gạo trong tương lai có thể phụ thuộc vào một số yếu tố chính.
Thứ nhất là yếu tố khí hậu. Ông Oscar Chakra, nhà phân tích cao cấp về nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp tích hợp tại Ngân hàng Hợp tác Hà Lan, cho biết: "Trong những tháng tới, xu hướng giá gạo toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tác động của hiện tượng El Nino". Nhà kinh tế cao cấp Cai Xuebin tại Ngân hàng Đầu tư Malayan của Singapore, cũng tin rằng rủi ro lớn nhất là nguy cơ El Nino và biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và đẩy lạm phát thực phẩm tổng thể lên.
Ví dụ, Chính phủ Thái Lan đã xác nhận rằng sẽ không cấm xuất khẩu gạo, nhưng do sự xuất hiện của El Nino, nước này phải đối mặt với thời tiết khô hơn. Bangkok đã khuyến khích nông dân giảm trồng lúa và chuyển sang trồng các loại cây trồng đòi hỏi ít nước hơn.
Thứ hai là yếu tố chính sách. Chuyên gia Samarendu Mohanti, người đứng đầu khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu khoai tây Quốc tế, cho biết giá gạo có thể tăng nếu các nước nhập khẩu cố gắng tích trữ gạo, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, trong khi các nước xuất khẩu áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Ông Chakra dự báo chỉ số giá gạo tháng Tám sẽ cao hơn tháng Bảy. Một phần lý do là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh lượng tồn kho theo mùa của các nhà cung cấp gạo lớn trên toàn thế giới (đặc biệt là ở châu Á) đang ở mức thấp. Chuyên gia Peter Timer, Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard (Mỹ), người đã nghiên cứu an ninh lương thực trong nhiều thập kỷ, đánh giá giá gạo có thể tăng hơn nữa trong 6-12 tháng tới. Có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là sự tăng giá sẽ diễn ra từ từ, cho phép người tiêu dùng ứng phó một cách bình tĩnh, hoặc giá gạo sẽ nhanh chóng tăng vọt đến 1.000 USD/tấn, thậm chí có thể cao hơn, tương tự như cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.
Đối với làn sóng tăng giá gạo này, ông Hồ Bằng Xuyên cho rằng không cần phải quá lo lắng, giá dự kiến sẽ giảm trở lại trong vòng một năm. Ông gọi sự tăng giá lần này là "biến động kỹ thuật", chứ không phải là "tăng hệ thống". Cuộc khủng hoảng Ukraine trước đây đã thúc đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng, thuộc về "tăng hệ thống". Nhưng sự thay đổi lần này chủ yếu là cung-cầu gạo, giá thực phẩm khác tương đối ổn định, do đó nó thuộc về "tăng theo giai đoạn".
Ông phân tích: "Về vĩ mô, thị trường lúa gạo cũng ổn định. Tổng sản lượng lúa gạo toàn cầu là hơn 500 triệu tấn, trong đó thương mại chỉ là 50 triệu tấn, có nghĩa là hầu hết gạo được tự sản xuất".
Các nước phương Tây ăn lúa mỳ, những người ăn gạo chủ yếu tập trung ở châu Á, nơi cũng là khu vực sản xuất lúa gạo chính. Bán kính vận chuyển ngắn hơn, cùng với tình trạng tự cung tự cấp, và giá lúa gạo tăng sẽ kích thích các quốc gia khác đầu tư vào tăng sản lượng, từ đó giá gạo tự nhiên sẽ giảm.
Chuyên gia Hồ Băng Xuyên dự đoán: "Giá lương thực toàn cầu ở mức cao nhất sẽ không vượt quá năm 2024".
Theo ông Trương Quân, nếu xét từ góc độ cung-cầu thực phẩm toàn cầu và năng suất nông nghiệp ngày càng tăng, việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm không có vấn đề, cũng có thể duy trì được giá tương đối ổn định. Ngay cả các yếu tố khí hậu làm giảm sản lượng lương thực chỉ là một tác động ngắn hạn.
Ông nói: "Tuy nhiên, đối với giá lương thực toàn cầu, vẫn còn một tác động lâu dài không thể xem nhẹ". Ông Trương Quân cho rằng nếu tất cả các quốc gia đặt an ninh lương thực lên hàng đầu, hy vọng sẽ giảm sự phụ thuộc vào thương mại, các nước sản xuất ngũ cốc chính lại hạn chế xuất khẩu, dẫn đến sự co lại hơn nữa của thương mại, cộng thêm các yếu tố địa chính trị phức tạp, có thể tạo ra không gian cho giá lương thực tăng và ở mức cao trong thời gian tới.
Về tác động của giá gạo toàn cầu cao đối với Trung Quốc, ông Trương Quân tin rằng tác động sẽ không lớn và không cần phải lo lắng. Ông phân tích: "Trung Quốc luôn coi trọng vấn đề lương thực, nhấn mạnh việc ‘giữ bát cơm trong tay mình’, đồng thời áp dụng các chính sách và biện pháp có hệ thống để đảm bảo tỷ lệ tự cung tự cấp thực phẩm".
Mặc dù thời tiết cực kỳ đặc biệt trong năm nay, miền Bắc gặp mưa lớn gây ra lũ lụt, nhưng Trung Quốc có dự trữ lương thực khá lớn, nếu lũ lụt có tác động đến giá lương thực, Trung Quốc sẽ xem xét việc sử dụng kho dự trữ để giảm một phần tác động.
Tác động ảnh hưởng
Khoảng một nửa dân số thế giới ăn gạo. Tác động tiềm tàng của giá gạo cao đã thu hút sự chú ý của tất cả các bên.
Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng giá gạo tăng vọt sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, đẩy giá thực phẩm tăng và chi phí thực phẩm sẽ trở nên cao hơn đối với các nước kém phát triển và các gia đình nghèo, chẳng hạn như ở các nước châu Á và châu Phi, nơi gạo là nguồn lương thực chính.
Theo báo cáo của FAO, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu tăng 1,3% trong tháng Bảy, lần tăng thứ hai kể từ tháng Tư, phản ánh tác động của việc đình chỉ thỏa thuận vận chuyển lương thực ở Biển Đen và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.
Giá lương thực tăng cũng có thể kích thích thêm nhiều chính sách bảo hộ, bao gồm các hạn chế xuất khẩu. Do đó, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả.
Ông Trương Quân lo ngại rằng các nước đang phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi, một phần phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, có thể bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi sự gia tăng giá gạo, đồng thời kéo chậm sự phục hồi kinh tế, thậm chí gây ra vấn đề đối với an ninh lương thực.
Trong khi nhấn mạnh sự gia tăng giá gạo lần này là "bình thường" và "có thể kiểm soát được", ông Hồ Băng Xuyên cũng chỉ ra một số tác động.
Thứ nhất, thay đổi cơ cấu tiêu thụ thực phẩm ở một số khu vực. Đối với châu Phi cận Sahara, nơi phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu gạo, khi mọi người không thể mua nổi, họ sẽ giảm tiêu thụ gạo, và cơ cấu tiêu thụ lương thực phải thay đổi.
Thứ hai, tăng gánh nặng tài chính cho các nước thế giới thứ ba. Nếu một quốc gia có mâu thuẫn nghiêm trọng về tài nguyên con người, và phụ thuộc nhiều vào thương mại, khi gặp phải các vấn đề như nguồn cung-cầu không phù hợp, họ sẽ "trần trụi" (không có sự bảo vệ) trong rủi ro. Một khi lạm phát nông nghiệp trở lại, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các thị trường mới nổi ở những nơi như châu Phi, nơi nền kinh tế không chắc chắn và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực.
Cũng có một số phân tích chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay khiến việc phân phối thực phẩm thế giới không cân bằng, có sự khác biệt lớn về nguồn lương thực giữa các quốc gia và khu vực khác nhau.
Ông Hồ Băng Xuyên nói: "Cuộc khủng hoảng lương thực có liên quan hoạt động phân phối, giá tăng cũng thực sự làm trầm trọng thêm phân phối lương thực quốc tế". Bất kỳ sự tăng giá nào xảy ra cũng sẽ chỉ làm cho người nghèo lại càng nghèo hơn.
Đánh giá về giải pháp kêu gọi viện trợ lương thực quốc tế, ông Hồ Băng Xuyên cho rằng năng lực của các tổ chức quốc tế bị hạn chế.
Ông phân tích khu vực châu Phi có điều kiện cơ sở hạ tầng rất khắc nghiệt, điều này làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận thị trường và thực hiện giá trị của các nước phát triển. Theo chuyên gia Hồ Băng Xuyên, giải pháp tối ưu là chuyển trọng tâm sang xây dựng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nâng cấp công nghiệp tại địa phương, phát triển các ngành công nghiệp đặc trưng và hiệu quả./.