Xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ cân bằng giữa các nhóm cổ phiếu

Các chuyên gia dự báo, năm 2025 xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ cân bằng hơn giữa các nhóm cổ phiếu với những yếu tố tích cực bao gồm nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt; kỳ vọng nâng hạng thị trường và vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế.

Kỳ vọng VN-Index sẽ có năm thứ 3 liên tiếp tăng điểm

Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2025 của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã Ck: SHS), kết thúc năm 2024, VN-Index tăng 12,11% so với năm 2023, năm thứ 2 liên tiếp tăng điểm sau khi giảm mạnh 33% trong năm 2022.

Mức tăng trưởng và sinh lợi vượt trội đến từ chỉ số các cổ phiếu vốn hóa lớn với VN30 tăng 18,85% so với năm trước đó, trong đó ảnh hưởng tích cực đến từ nhóm ngân hàng với mức tăng là 22,6%, tiếp theo là nhóm vốn hóa trung bình VNMID với tỷ lệ 9,9% và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML với 5,8%.

Xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ cân bằng giữa các nhóm cổ phiếu. Ảnh: T.L

Xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ cân bằng giữa các nhóm cổ phiếu. Ảnh: T.L

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, có thể trong năm 2025, xu hướng tăng trưởng sẽ cân bằng hơn giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trung bình và nhỏ. Dự báo cho năm 2025, các nhà phân tích cho rằng, yếu tố tích cực bao gồm nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt; kỳ vọng nâng hạng thị trường và vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế.

Trong khi đó, yếu tố rủi ro, bất định đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao; căng thẳng địa chính trị trên thế giới và diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.

"Sau năm 2023 tăng 12,2%, năm 2024 VN-Index tăng 12,1% - mở ra kỳ vọng VN-Index sẽ có năm thứ 3 liên tiếp tăng điểm, kiểm tra lại mức giảm mạnh 33% trong năm 2022. Tuy nhiên, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản" - nhóm phân tích của SHS dự báo.

Đâu là những nhóm ngành tiềm năng?

Chuyên gia của SHS cho rằng, trong năm 2025, VN-Index có thể tăng trưởng tốt, tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5-3,7%, tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia tăng vào thị trường tốt hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt...

Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.

Vào thời điểm kết thúc năm 2024, định giá P/E của VN-Index ở mức 14,84, thấp hơn P/E trung bình 10 năm (16,6 lần) và trung bình 5 năm (17,1 lần). Với mức P/E Forward 11,4 được xem là khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý P/E thấp do lợi nhuận nhóm ngân hàng rất lớn kéo theo mức P/E chung thị trường xuống thấp.

Trong khi đó, các chuyên gia Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, năm 2025 cũng là năm bản lề của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự kiện được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE sau 7 năm kể từ khi được vào watchlist. Sự kiện này được đánh giá sẽ mang lại cho VN-Index dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF, các quỹ chủ động, cũng như khả năng nâng định giá lên mức cao hơn, từ đó hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngoài ra, ACBS dự phóng, lợi nhuận sau thuế năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết có khả năng tăng 15 - 16% so với cùng kỳ và được dẫn dắt, ảnh hưởng chính bởi lợi nhuận của ngành ngân hàng. Với triển vọng tăng trưởng như trên, trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu ẩn chứa nhiều biến động, ACBS cho rằng, nền định giá hợp lý của VN-Index sẽ tiếp tục bám sát P/E trung vị 3 năm, tương ứng với vùng dao động 1.240 - 1.420 điểm trên nền thanh khoản tăng 15% so với bình quân năm 2024.

Nhìn chung, ba chủ điểm đầu tư lớn nhất trong năm 2025 là: Ảnh hưởng của thương chiến lên nền kinh tế Việt Nam, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy đầu tư công. Do đó, ACBS tập trung vào các cổ phiếu được hưởng lợi rõ rệt từ 3 chủ điểm lớn này là bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và vận tải biển, đầu tư công.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư Dragon Capital dự báo, trong kịch bản cơ sở, hiệu suất VN-Index sẽ tăng 15-17%, còn nếu niềm tin và tương lai tươi sáng hơn, lợi nhuận TTCK sẽ tốt hơn. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ.

"Ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ sẽ có tăng trưởng lợi nhuận bền vững, trong khi đó công nghệ, thép và công nghiệp cũng dự báo có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhờ được hỗ trợ bởi chính sách" - Giám đốc Dragon Capital dự báo.

Tỷ lệ cho vay ký quỹ ở mức cao kỷ lục

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh 219.358,9 tỷ đồng trong cuối quý II/2024. Tỷ lệ dự nợ trên vốn hóa HOSE cũng lập mức cao mới 4,2% vượt các mức kỷ lục quý I/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới gia tăng vào thị trường yếu hơn áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cùng là một phần nguyên nhân VN-Index tích lũy trong biên độ hẹp trong năm 2024.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xu-huong-tang-truong-cua-thi-truong-chung-khoan-se-can-bang-giua-cac-nhom-co-phieu-168878.html