Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang tác động đến mọi mặt đời sống, ngành Điện ảnh cũng không ngoại lệ. Đây vừa là thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn chưa từng có cho 'nghệ thuật thứ bảy'.
Với nghệ thuật điện ảnh, chỉ cần những thiết bị khá phổ biến như chiếc điện thoại thông minh, máy tính cá nhân cùng sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng, nhiều cá nhân có thể tự sản xuất phim, video clip…, phản ánh chân thực các góc cạnh của đời sống. Đáng kể hơn, các tác phẩm này có thể nhanh chóng tiếp cận khán giả qua "nhà hát", "rạp chiếu phim" trực tuyến là các trang mạng xã hội, website… Thời đại số cũng mang đến những đột phá cho điện ảnh. Bằng những công nghệ mới, tiên tiến về âm thanh, hình ảnh, nhiều tác phẩm điện ảnh chiếu ở rạp đã mang đến cho người xem những cảm xúc ấn tượng.
Từ góc độ các nghệ sĩ, "thế giới phẳng" giúp họ giao lưu, tiếp cận những cách thức sản xuất phim hiện đại ở cả trong nước và trên thế giới. Người diễn viên có thể trau dồi việc diễn xuất một cách thuần thục mà không tốn nhiều thời gian; nhà biên kịch tiếp cận được nhiều hơn chất liệu cuộc sống để nội dung tác phẩm điện ảnh gần gũi hơn với công chúng…
Thực tế cho thấy, đời sống nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực điện ảnh, đang có những chuyển mình để phù hợp với công nghệ mới và các nền tảng giải trí thời đại số. Song, để tận dụng hiệu quả những lợi thế từ công nghệ cho lĩnh vực điện ảnh không phải là chuyện dễ dàng. Thách thức lớn nhất mà người làm điện ảnh cần hóa giải là phải luôn bắt kịp để thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ và nhu cầu khán giả hiện nay. Do đó, những người trong cuộc như nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim… có vai trò quyết định.
Bên cạnh việc phát huy thật tốt các nền tảng truyền thống, sự nhanh nhạy, cầu thị trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ làm phim là yếu tố căn bản để tác phẩm điện ảnh có thể đáp ứng được thị hiếu khán giả ngày một đa dạng với yêu cầu ngày càng cao. Nói cách khác, đội ngũ những người làm điện ảnh phải không ngừng học hỏi, làm mới chính mình. Cụ thể hơn, đó là phải nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ - thông tin, kỹ thuật mới trong lĩnh vực điện ảnh; luôn đổi mới cách thức thể hiện, sáng tạo tác phẩm, bám sát hơi thở cuộc sống; trau dồi khả năng diễn xuất… Trong đó, phải luôn đề cao yếu tố mới lạ, hấp dẫn và phù hợp với nhiều đối tượng người yêu điện ảnh.
Với các cơ quan chức năng, đơn vị sản xuất phim, nhiệm vụ quan trọng là phải tạo dựng cho được một môi trường sáng tạo tác phẩm điện ảnh thật tích cực, lành mạnh và có tính gợi mở, định hướng cao. Có thể thông qua các "sân chơi" như tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, trại sáng tác… để tìm ra những tài năng, đặc biệt là những tài năng trẻ, nhân tố mới cả về con người, tác phẩm cũng như công nghệ làm phim. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư để đổi mới, hiện đại hóa trang thiết bị trong lĩnh vực điện ảnh. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị phát hành phim để tiếp cận nhanh, hiệu quả với khán giả và người yêu điện ảnh, nắm bắt được xu hướng và thị hiếu khán giả để kịp thời có những tác phẩm mới, hấp dẫn hơn.
Ứng dụng công nghệ để phát triển lĩnh vực điện ảnh lên một tầm cao mới là yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu. Bước đi này phù hợp trong bối cảnh các lĩnh vực nghệ thuật khác đã, đang hòa nhập mạnh mẽ với thời đại công nghệ số để hướng đến phát triển bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/981817/xu-huong-tat-yeu