Xu hướng thị trường việc làm toàn cầu năm 2023

Trong năm 2023, nền kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn còn nhiều điều không chắc chắn do lãi suất tăng, lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế. Do đó, nhiều tập đoàn lớn tiếp tục tuyên bố sa thải và đóng băng tuyển dụng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều công ty khác muốn thu hút thêm nhân sự mới. Điều đó buộc các công ty sẽ phải cạnh tranh để thu hút nhân tài. Đồng thời, các xu hướng như nghỉ việc trong im lặng và đồng loạt từ chức đã tạo điều kiện cho nhân viên đưa ra nhiều yêu cầu hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường việc làm trong năm 2023 sẽ có một số thay đổi như sau:

Tính ổn định bền vững của công việc

Những ngành nghề làm việc văn phòng và bàn giấy sẽ khó có sự đảm bảo lâu dài bằng công việc lao động chân tay. Những công việc trong các lĩnh vực cơ bản như y tế, luật pháp, hay các lĩnh vực phục vụ đời sống sẽ an toàn hơn so với những công việc mang tính sáng tạo hay đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngoài ra, hiện tượng “nhảy việc” gây ra tình trạng thiếu nhân công sẽ lắng xuống, và các công ty lớn sẽ thành công trong việc giữ chân nhân viên ở lại làm việc.

Nâng cao năng lực và luân chuyển nội bộ

Nâng cao năng lực nguồn nhân sự từ lâu đã là mục tiêu của nhiều nhà tuyển dụng, và năm 2023 sẽ là năm các nhà lãnh đạo bắt đầu coi trọng sự luân chuyển nội bộ hơn để duy trì khả năng giữ chân nhân viên. Ngay cả khi không được lên chức hay tăng lương, người lao động vẫn mong muốn nâng cao kỹ năng của họ. Do đó, các công ty sẽ sẵn sàng thúc đẩy việc đào tạo bằng cách cung cấp nhiều khóa học, chứng chỉ và các công cụ phát triển chuyên môn khác, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Việc nâng cao năng lực của nhân viên không chỉ lấp đầy khoảng trống hiện tại mà còn giúp doanh nghiệp tránh được chi phí tuyển dụng.

Quan trọng hơn, việc nâng cao tay nghề cho những người lao động hiện tại mang lại cho các tập đoàn lợi thế cạnh tranh trong một thị trường lao động phát triển mạnh mẽ. Nhà tuyển dụng cần đầu tư vào các mục tiêu và cách thức dài hạn để trở thành sự lựa chọn hấp dẫn hơn cho người tìm việc. Các chuyên gia hàng đầu và lực lượng lao động tay nghề cao có xu hướng tìm kiếm những công ty sẵn sàng đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên.

Thời gian làm việc linh hoạt

Quãng thời gian làm việc từ xa trong suốt đại dịch Covid-19 đã giúp người lao động cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống. Do đó, nhiều người đang tìm kiếm thời gian làm việc linh hoạt khi đề cập đến các tiêu chí mà họ cần ở những nhà tuyển dụng tương lai. Đây là một xu hướng khác của thị trường lao động năm 2023, tính linh hoạt. Đó có thể là làm việc tại văn phòng, kết hợp với làm việc từ xa. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đang nghiêm túc xem xét về thời gian làm việc bốn ngày mỗi tuần, tức là làm việc 40 giờ trong vòng 4 ngày, và cho phép nghỉ hoàn toàn ba ngày.

Thời gian làm việc linh hoạt sẽ giúp tăng độ hài lòng của nhân viên với lãnh đạo công ty. Nghiên cứu cho thấy những nhân viên có nhiều thời gian rảnh hơn có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. Tuần làm việc 4 ngày cũng giúp làm giảm tỷ lệ nghỉ việc, năng suất cao hơn, ít bị phân tâm và ít vắng mặt hơn, đồng thời nâng cao tinh thần nói chung. Mô hình tuần làm việc bốn ngày đã thành công ở nhiều nước như Anh, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Australia, New Zealand, đến mức nhiều lao động đang làm việc theo lịch trình này tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ quay lại làm việc 5 ngày mỗi tuần, trừ khi được tăng lương đáng kể.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/xu-huong-thi-truong-viec-lam-toan-cau-nam-2023-151588.htm