Xu hướng thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ English Edition

Long An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, năng lượng.

Công nghiệp tăng trưởng cao

Trên địa bàn tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 của toàn ngành công nghiệp tăng 11,28% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,43%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,14%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,6% so cùng kỳ. Có 47/60 nhóm có tốc độ tăng so cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng phấn khởi.

Để đạt kết quả trên, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trên nhiều lĩnh vực, nhất là giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song song đó, cộng đồng DN cũng đồng thuận, quyết tâm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và tăng trưởng tốt.

Tỉnh ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như lắp ráp linh kiện

Tỉnh ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như lắp ráp linh kiện

Xác định hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết trong phát triển KT-XH và liên kết vùng, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Hiện nay, tỉnh tiếp tục đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ; đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh. Các tuyến đường đã hoàn thành và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất, kinh doanh như Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT825, ĐT824, đường Vành đai TP.Tân An,… Theo đó, DN đầu tư tại Long An sẽ dễ dàng kết nối với TP.HCM, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm GN (Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu, Cần Giuộc) - Trần Linh Nguyên cho biết, khi đặt nhà máy sản xuất tại KCN Long Hậu, DN có nhiều thuận lợi do Long An là điểm kết nối giữa TP.HCM và vùng nguyên liệu phong phú - Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, giúp DN thuận tiện trong vận chuyển nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong cung cấp nguồn điện, lực lượng lao động,... giúp DN an tâm và tập trung sản xuất. Sản phẩm chính của Cty là thực phẩm đông lạnh như há cảo, bánh cuốn, xíu mại,... Theo kế hoạch, sản lượng sản xuất và bán ra của Cty tăng hơn 40% so năm 2021, doanh thu cũng tăng theo và tạo việc làm, thu nhập ổn định hơn cho người lao động.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 của toàn ngành công nghiệp tăng 11,28% so cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 của toàn ngành công nghiệp tăng 11,28% so cùng kỳ

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp và một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực phía Nam. Theo đó, tỉnh đã ban hành danh mục để xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tỉnh tăng cường phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như lắp ráp linh kiện, dệt may, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm.

Tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 15.000ha, với 59 cụm công nghiệp (CCN) và 37 KCN đã được phê duyệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 CCN đang hoạt động và 24 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Từ khi có KCN đến nay, đã thu hút được 1.762 dự án đầu tư, trong đó, có 849 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 913 dự án trong nước. Các K,CCN trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp TP.HCM. Các K,CCN của tỉnh thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn với dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại và sẵn sàng chào đón DN, nhà đầu tư mới đến với Long An. Đặc biệt, nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đã đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Điển hình, dự án Cty TNHH Một thành viên Đầu tư Long An (Cty con của Cty Cổ phần Transimex) đầu tư kho lạnh Long An với tổng vốn khoảng 1.000 tỉ đồng. Công trình là một hệ thống kho bảo quản hàng hóa lạnh đa nhiệt độ từ -25oC đến +18-20oC, phù hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản nhiệt độ, từ mặt hàng thực phẩm tiêu dùng đến mặt hàng phục vụ xuất khẩu như trái cây; nông, hải sản,... tại Long An cũng như Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, đây sẽ là kho hàng lạnh hiện đại nhất Việt Nam và khu vực, với cấu trúc gồm: 1 khu kho lạnh vận hành hoàn toàn tự động có sức chứa 40.000 vị trí pallet với thiết kế 18 tầng kệ chứa hàng, 1 khu kho hàng lạnh - mát vận hành bán tự động với sức chứa 15.000 vị trí pallet, 1 khu xử lý hàng hóa bao gồm sơ chế, đóng gói bao bì, phân loại,... tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như các quy định của địa phương. Hay Dự án Cty TNHH Lotte Eco Logis Long An của Cty TNHH Lotte Land (vốn đầu tư Hàn Quốc) tại KCN Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, diện tích 79.142m2, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 306 tỉ đồng. Theo đó, Cty TNHH Lotte Eco Logis đầu tư dự án dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa và cho thuê kho bãi.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vận tải, xuất, nhập khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tỉnh quy hoạch 6 trung tâm logistics gồm: 3 trung tâm logistics đặt tại xã Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa (huyện Bến Lức), với tổng diện tích khoảng 110ha; trung tâm logistics tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), diện tích 10ha; Trung tâm logistics tại Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), diện tích 10ha; Trung tâm logistics tại Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Đến nay, trung tâm logistics tại xã Thanh Phú và tại Cảng Quốc tế Long An đã đưa vào hoạt động.

Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM, miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, có biên giới, cửa khẩu và cảng quốc tế. Long An có lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc DN, người dân phải đi lại nhiều lần. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với DN theo định kỳ hàng tháng để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xu-huong-thu-hut-nganh-cong-nghiep-ho-tro-a146831.html