Xu hướng tiêu dùng thay đổi dịp Black Friday
Dịp khuyến mãi, kích cầu mua sắm lớn cuối năm Black Friday (Thứ Sáu đen tối) cho thấy những sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân khi họ chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm thay vì ham giảm giá sâu.
"Thứ Sáu đen tối" năm nay, các thương hiệu hàng tiêu dùng quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã đồng loạt đưa ra mức giảm giá sâu nhằm kích cầu và tăng tiêu thụ. Tại các trung tâm thương mại lớn như: Vincom, Tràng Tiền Plaza, Trung tâm thương mại AEON Mall… ghi nhận hàng loạt các thương hiệu quần áo, giày dép, phụ kiện, đồ công nghệ... đồng loạt giảm giá, từ 20-30%, thậm chí có những thương hiệu giảm tới 70- 80%.
Chất lượng hơn giá giảm
Theo ghi nhận của VnBusiness, các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, vali, túi xách, đồ gia dụng… trên một số tuyến phố lớn như phố Huế, Bà Triệu, Cầu Giấy, Thái Hà, Nguyễn Trãi... cũng đồng loạt giảm giá "khủng" từ 30% đến 70% để thu hút khách hàng tới mua sắm.
Dù thị trường liên tục có những mức ưu đãi lớn nhưng dường như dịp lễ khuyến mãi cuối năm này đã không còn tạo được quá nhiều nhiệt tiêu dùng, khi về phía khách hàng, dường như họ không còn quan tâm nhiều đến mức giá được giảm mà ưu tiên hơn đến chất lượng sản phẩm.
Tại Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, chị Ngọc Diệp (30 tuổi) cho biết: "Trước đây, Black Friday tôi sẽ mua theo cảm hứng, rẻ thì mua. Tuy nhiên, gần đây, tôi cũng sẽ cân nhắc kỹ trước khi mua sắm, chỉ mua khi thực sự cần thiết, mua quần áo hoặc mỹ phẩm chăm sóc da hàng ngày".
Một người mua hàng khác, chị Phương Anh (22 tuổi) cũng chia sẻ: “Khi mua hàng tôi sẽ đặt chất lượng lên trên, vì nhiều mặt hàng được giảm giá như nhau, tôi sẽ ưu tiên lựa chọn những mặt hàng nào phù hợp với mình”.
Xu hướng này của người tiêu dùng được cho là bắt nguồn từ việc tình hình kinh tế năm nay vẫn là tương đối khó khăn, nhiều người phải lựa chọn việc chỉ mua sắm những thứ thật sự quan trọng, thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng ít quan trọng hơn như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… bị người mua hạn chế. Mua sắm ít đi cũng khiến họ chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm thay vì “cảm hứng nhất thời”. Nhiều khách hàng cũng cho biết họ đã có dự định sẽ mua gì từ trước, nếu không thì cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm có giá thành hợp lý và chất lượng ổn, phù hợp với bản thân.
Những người tiêu dùng đi mua sắm cũng chia sẻ, họ thường sẽ quan tâm đến mức giảm giá từ khoảng 50 - 70%, khá tương đồng với mức giảm của phần lớn các thương hiệu, cửa hàng hiện nay.
Điều này cũng phần nào phản ánh đúng với khảo sát gần đây của PwC cho thấy, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%). Sự cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu.
54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.
Tung khuyến mãi khủng, nhiều cửa hàng vẫn ế ẩm
Xu hướng chú trọng hơn tới chất lượng và cân nhắc hơn khi mua sắm của người tiêu dùng đã khiến doanh thu của các cửa hàng dịp Black Friday năm nay sụt giảm. Tại các trung tâm thương mại tình trạng chen lấn, xếp hàng dài mua hàng thường thấy như các năm đã không còn. Nhiều cửa hàng ở các trung tâm thương mại, cung đường mua sắm lớn dù tung ra những chương trình hấp dẫn, treo biển giảm giá 70 - 80, giảm 50% từ sản phẩm thứ 2, mua 2 tặng 1,... nhưng vẫn không thu hút được khách hàng. Anh Phạm Tiến - quản lý cửa hàng tại đường Nguyễn Trãi chia sẻ, cả buổi sáng mới có đúng 2 khách ghé xem, anh thậm chí còn nhớ rõ một khách vào lúc 10h và khách còn lại vào lúc hơn 11h trưa, trong khi vào những năm trước thì dịp này rất sôi động.
Chị Nguyễn Trúc Vy, quản lý một cửa hàng quần áo trên đường Trần Quang Diệu cũng ngậm ngùi: “Chương trình khuyến mãi kèm quà tặng đã diễn ra nhiều ngày nay nhưng lượng khách ghé đến cửa hàng vẫn ít ỏi. Tôi nghĩ là do Black Friday quá gần với dịp khuyến mãi ngày hội độc thân 11.11 nên khách hàng vẫn chưa mặn mà. Ngoài ra, tình hình kinh tế của một số người eo hẹp, họ cũng hạn chế mua quần áo.”
Tình hình này đã khiến nhiều thương hiệu, cửa hàng quyết định kéo dài khuyến mãi hơn so với thông thường, đến hết tháng 11 để hy vọng “cứu vớt” lại doanh số. “Nếu trước kia chỉ tập trung sale 3 ngày trước, trong, sau Black Friday thì nay chúng tôi chạy chương trình bắt ngày 11-11 và kéo dài tới cuối tháng", anh Tiến nói.
Ngoài ra, nhiều nhãn hiệu cũng có xu hướng tập trung hơn đến bán hàng trên các kênh trực tuyến, online trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để tiếp cận và thu hút nhiều hơn tới khách hàng.
Trong thực trạng không mấy tươi sáng, các chuyên gia nhận định đây là thời điểm các doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh đối với các mặt hàng đưa ra thị trường và có sự tính toán kỹ lưỡng đối với các chương trình kích cầu của mình. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu phân tích: “Do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không quá cần thiết mà dồn vào những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải đánh giá lại thị trường, xem xét mặt hàng nào thực tế nhất, phù hợp với người tiêu dùng từ giá cả đến tính thực dụng trong "cuộc đua marathon" kích cầu cuối năm”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ, cho rằng kinh tế khó khăn cũng là "phễu lọc" hiệu quả cho những chương trình khuyến mãi. Chỉ có giảm giá thực chất, hàng đảm bảo chất lượng mới thuyết phục được người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Cơ hội cho các doanh nghiệp, cửa hàng tăng tiêu thụ được cho là còn rất nhiều khi các dịp lễ khuyến mãi lớn cả trực tiếp và trực tuyến sẽ liên tục diễn ra từ nay đến Tết Nguyên đán. Không chỉ vậy, nhiều chương trình kích cầu như Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam, Tuần lễ thương mại điện tử Quốc gia, Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia,... sẽ được các Bộ, ban ngành tổ chức trong thời gian sắp tới cũng mang đến cho doanh nghiệp thời cơ để tiếp cận khách hàng, đẩy doanh số, tạo tiền đề hồi phục kinh doanh trong tương lai.