Xu hướng tiêu dùng xanh: Thay đổi thói quen để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Người dùng có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ tác động xấu tới môi trường. Do vậy, không chỉ từ những gói hàng mà ngay cả người bán tới người mua cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

Hoạt động giao thương, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động giao thương, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới. Đặc biệt, khi thương mại điện tử “bùng nổ” và người tiêu dùng đang ưu tiên nhiều hơn cho việc mua sắm trực tuyến (online) thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn Xanh và bền vững cũng là “giấy thông hành” để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nguy cơ rác thải nhựa từ mua hàng online

Tại Hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử của Hiệp hội cho biết tại Việt Nam, năm 2023 bán lẻ hàng hóa trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hóa, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306.000 tấn.

Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.

“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800.000 tấn,” ông Hưng nhận định.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, đã đến lúc cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử, mua bán hàng online tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.

 Xu hướng tiêu dùng Xanh đòi hỏi sản xuất phải thúc đẩy sản phẩm bảo vệ môi trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xu hướng tiêu dùng Xanh đòi hỏi sản xuất phải thúc đẩy sản phẩm bảo vệ môi trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dẫn chứng thêm, ông Nguyễn Hữu Tuấn thông tin, chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.

Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hóa đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hóa thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp.

Hướng tới thương mại điện tử Xanh

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên các sản phẩm xanh nhằm nỗ lực giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và thay vào đó là sử dụng các sản phẩm tái chế, hay những chiếc túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng…

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành hệ thống Go/BigC vùng Hà Nội và miền Bắc nêu định hướng của doanh nghiệp là luôn hướng tới tiêu dùng bền vững. Đặc biệt những năm gần đây xu hướng này càng rõ rệt, cụ thể một sản phẩm thân thiện môi trường từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến bao bì sẽ mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc không thân thiện với môi trường cũng rõ hơn.

Dẫn chứng thêm điểm tích cực này, ông Phong thông tin, có tới 31% khách hàng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho một sản phẩm có thể hỗ trợ bảo vệ môi trường và xu hướng đó đang tăng lên nhanh những năm gần đây.

“Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu dịch chuyển các sản phẩm bán chạy của mình từ bao bì thông thường sang bao bì thân thiện môi trường và sức tiêu thụ của các sản phẩm thân thiện môi trường đang cao hơn,” ông Phong nói.

Thực tế, việc tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực đối với bảo vệ môi trường.

Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho hay, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.

Địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Giao dịch qua thương mại điện tử. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giao dịch qua thương mại điện tử. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình còn tập trung hỗ trợ các đối tượng là cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện, điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất Xanh-phân phối Xanh-tiêu dùng Xanh.

Liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho rằng, khi tiêu dùng Xanh trở thành xu hướng, thương mại điện tử cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền thương mại điện tử Xanh.

Để giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, bà Lại Việt Anh đề xuất khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng Xanh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xu-huong-tieu-dung-xanh-thay-doi-thoi-quen-de-thuc-day-tang-truong-ben-vung-post965070.vnp