Xu hướng trẻ hóa rối loạn trầm cảm
Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý trầm cảm đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa ngày càng tăng. Nếu như năm 2022, số lượt bệnh nhân trầm cảm đến khám và điều trị tại bệnh viện là 1.512 lượt, thì đến năm 2024 tăng lên 4.627 lượt. Đáng báo động là tỷ lệ lo âu trầm cảm có xu hướng tăng và trẻ hóa...

Bác sĩ CKI Hoàng Thị Hường, Khoa nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân.
Từ học sinh chăm ngoan, nhưng do buồn vì bố thường xuyên say rượu, đánh chửi mẹ con, khiến L.T.H.A. ở TP Thanh Hóa đau khổ, ghét bố. Em luôn dằn vặt bản thân vì không bảo vệ được mẹ trước những trận đòn roi của bố. Tình trạng này kéo dài khiến em rơi vào trầm cảm. Từ người vui vẻ, em trở thành người cáu gắt, cãi lời bố mẹ bằng những từ hỗn láo, thậm chí bỏ học, bỏ nhà đi chơi qua đêm. Cũng trong thời gian này, do bị bạn bè xấu lôi kéo, em đã hút thuốc lá điện tử, sử dụng cần sa và thường xuyên dùng dao lam để cắt những vết nông ở cổ tay bên trái. Bởi mỗi khi làm vậy A. không thấy đau mà lại thấy dễ chịu và giải tỏa cảm xúc tiêu cực của mình. Thậm chí, có những lúc buồn chán A. muốn tìm tới cái chết để giải thoát.
Trước tình trạng bệnh của con, gia đình đã đưa A. đến khám và được các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý, đến nay em dần vượt qua bệnh tật, hòa nhập với xã hội.
Đó cũng là trường hợp của bệnh nhân Bùi Phúc Bảo N. sinh năm 2006 ở TP Sầm Sơn. Khi N. bước sang tuổi thứ 8 thì bố mẹ ly hôn khiến em suy nghĩ và đau buồn nhiều. N. thường xuyên cáu gắt, bi quan, giảm tập trung khi đi học khiến kết quả học tập giảm sút. Đồng thời, mỗi khi đến lớp em cũng bị một số bạn trêu đùa về tình trạng gia đình khiến em khó chịu và càng khép mình hơn. N. thường cảm thấy căng thẳng nên hay tự cấu vào người để cho dễ chịu hơn. Khoảng 3 tháng trước khi em vào viện, các triệu chứng trên ngày càng tăng dần nên gia đình cho vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa. Qua 19 ngày điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần kinh liều thấp và được bác sĩ điều trị hỗ trợ tâm lý, N. hết ý tưởng tự sát và không còn hành vi làm đau bản thân, đồng thời mở lòng giao tiếp với những người xung quanh.
Bác sĩ CKII Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết: “Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý trầm cảm đến khám và điều trị ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2022 số lượt bệnh nhân trầm cảm đến khám và điều trị tại bệnh viện lần lượt là 1.512 lượt, thì đến năm 2024 tăng lên 4.627 lượt. Điều đáng báo động là tỷ lệ lo âu trầm cảm có xu hướng tăng và trẻ hóa”.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa Phạm Đức Cường, “Người mắc bệnh trầm cảm có xu hướng thu mình, sống khép kín, thường tự tìm cách xoa dịu các dấu hiệu của bệnh và có suy nghĩ mình có thể tự khỏi bệnh mà không cần ai giúp, nên số lượng người mắc trầm cảm tại cộng đồng lớn hơn con số tới khám và điều trị tại bệnh viện rất nhiều lần. Nguy cơ trầm cảm thường là 10 - 25% đối với phụ nữ và 5 - 12% đối với nam giới. Tuy nhiên, những người mắc bệnh mãn tính phải đối mặt với nguy cơ cao hơn nhiều, khoảng từ 25 - 33%".
Sức ép từ cuộc sống hiện đại khiến tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trầm cảm có xu hướng tăng cao. Không giống như những căn bệnh có thể nhìn, sờ thấy vết thương, tổn thương do trầm cảm ẩn sâu trong mỗi người và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống của bệnh nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người trẻ, bao gồm sự tương tác qua lại giữa các yếu tố bên ngoài (văn hóa, tình huống xã hội, quan hệ xã hội...) với các yếu tố bên trong (di truyền, thái độ, tính cách, sang chấn tinh thần, tổn thương thời thơ ấu do sinh học như tổn thương não, thiếu hụt dẫn truyền thần kinh, mất cân bằng hormone...). Những người bị trầm cảm thường gặp khó khăn trong việc ngủ, làm suy giảm sức khỏe tổng thể, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, thiếu năng lượng, giảm khả năng làm việc và học tập; căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp cao, đau dạ dày.
Bên cạnh đó, người bị trầm cảm có xu hướng thu mình, tránh giao tiếp xã hội, dẫn đến mất kết nối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Trầm cảm cũng khiến người bệnh mất động lực, làm việc kém hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất việc hoặc bỏ học; một số người tìm đến chất kích thích để giải tỏa tâm trạng, nhưng điều này chỉ làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Thậm chí, nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử do cảm giác tuyệt vọng kéo dài.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bác sĩ CKI Hoàng Thị Hường, Khoa nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết: “Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối và bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Để phòng ngừa sớm tình trạng trầm cảm ở người trẻ cần kiểm soát căng thẳng, liên hệ gia đình và bạn bè giúp đỡ, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng để sớm vượt qua những giai đoạn khó khăn. Điều trị ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh nhằm ngăn trầm cảm tiến triển nặng. Tái khám định kỳ và duy trì liều lượng lâu dài để phòng ngừa các triệu chứng tái phát”.
Trước sức ép từ học tập, công việc, sự nghiệp... trong cuộc sống hiện đại, mỗi bạn trẻ hãy dành cho bản thân những khoảng lặng để sống chậm lại, yêu thương bản thân nhiều hơn, từ đó tạo sức “đề kháng” vượt qua khó khăn, áp lực để xây dựng cuộc đời tươi đẹp hơn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xu-huong-tre-hoa-roi-loan-tram-cam-244465.htm