Xu hướng tỷ lệ nữ giới có việc làm cao hơn nam giới ở Hàn Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia của Hàn Quốc, tính đến năm 2023, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 20 có việc làm là 63,4%, so với tỷ lệ 58,4% của nam giới cùng độ tuổi.
Khoảng cách về tỷ lệ có việc làm giữa nữ giới và nam giới trong độ tuổi 20 ở Hàn Quốc đã lên đến mức cao nhất từ trước đến nay.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia của Hàn Quốc công bố ngày 23/7 cho thấy, tính đến năm 2023, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 20 có việc làm là 63,4%, so với tỷ lệ 58,4% của nam giới cùng độ tuổi.
Tỷ lệ việc làm là chỉ số quan trọng để phản ánh tỷ lệ người có việc làm trong dân số ở độ tuổi lao động.
Năm 2000, tỷ lệ nam giới ở độ tuổi 20 có việc làm là 66,2%, so với mức 54,9% của nữ giới. Tuy nhiên, khoảng cách này tiếp tục thu hẹp.
Thời điểm năm 2011, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 20 có việc làm là 58,6%, bắt đầu vượt qua nam giới (58,1%). Thống kê cho biết năm 2023, số lượng nữ giới độ tuổi 20 có việc làm là khoảng 1,95 triệu, so với con số 1,78 triệu nam giới có việc làm.
Theo phân tích của Học viện Đào tạo Jongno, trong vài thập niên qua, đặc biệt là thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Hàn Quốc thường có định kiến rằng phụ nữ nên chăm sóc việc nhà hơn là làm việc bên ngoài.
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 2000, nhận thức xã hội đã dần thay đổi. Sự gia tăng đáng kể tỷ lệ học đại học ở nữ giới cũng làm gia tăng tỷ lệ phái yếu có việc làm. Tỷ lệ vào đại học của nữ sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 là 81,6%, trong khi nam sinh là 76,8%.
Nguyên nhân khác được coi là giúp tăng tỷ lệ có việc làm ở nữ giới là cơ cấu công việc trong xã hội đã thay đổi. Tỷ trọng của ngành dịch vụ đang ngày càng gia tăng.
Trước đây, các công việc sản xuất tập trung vào lao động nam, nhưng thời gian gần đây, số lượng công việc ngành dịch vụ có nhu cầu cao về lao động nữ ngày càng tăng.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tính đến năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế trong nước là 49,3%, tăng 4,4% so với mức 44,9% của 5 năm trước. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2000.
Lim Kyung-eun, người đứng đầu bộ phận thống kê việc làm tại Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, cho biết xét về cơ cấu xã hội, phụ nữ thường tốt nghiệp đại học và có việc làm ngay ở độ tuổi từ giữa 20 đến 30 tuổi, trong khi đa phần nam giới thường bắt đầu có việc khi ở độ tuổi 30 do phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau đại dịch COVID-19, việc trì hoãn thời gian tìm việc của nam giới ở Hàn Quốc có thể sẽ chậm hơn.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao Oh Gye-taek thuộc Viện Lao động Hàn Quốc, việc tỷ lệ có việc làm ở phụ nữ cao hơn nam giới không phải là dấu hiệu báo trước một “thời đại của phụ nữ” trên thị trường việc làm.
Nguyên nhân là do vấn đề phân biệt giới và có những hạn chế trong sự thăng tiến của nữ giới trong các doanh nghiệp, cũng như thực tại phụ nữ thường làm việc trong các ngành có mức lương thấp hơn so với nam giới vẫn đang tồn tại./.