Xu hướng ứng dụng AI trong công việc của GenZ
Thế hệ Gen Z đang tích cực sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ tại văn phòng.
Khi AI trở thành người cộng sự thân thiết
Ngồi tại một quán cà phê nhỏ ở phố Trung Kính, Hà Nội, trước mặt Quang là chiếc laptop cùng một cốc cà phê sữa. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng, anh chàng 24 tuổi đã hoàn thành xong bản thảo kịch bản quảng cáo cho một chiến dịch truyền thông, điều mà trước đây Quang thường phải mất ít nhất hai ngày mới có thể hoàn thiện.
“Mình bắt đầu bằng cách đưa những ý tưởng sơ khai vào ChatGPT, yêu cầu AI gợi ý cách trình bày sao cho hấp dẫn. Sau đó, mình chỉnh sửa và thêm thắt các yếu tố phù hợp với sản phẩm của khách hàng. AI giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian và còn tạo cảm hứng khi mình bị bí ý tưởng,” Quang chia sẻ.
Quang nhớ lại thời gian đầu mới làm công việc sáng tạo nội dung, anh thường mất hàng giờ để nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh và lên ý tưởng, chưa kể đến những lần chỉnh sửa liên tục theo yêu cầu của khách hàng. “Có lần mình phải thức đến 3 giờ sáng để hoàn thiện một kịch bản. Cảm giác cạn kiệt ý tưởng và áp lực thời gian khiến mình stress nặng nề,” anh kể.
Tuy nhiên, kể từ khi công ty bắt đầu cho phép sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Quang nhận thấy công việc của mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Không chỉ giúp tạo ra nội dung nhanh chóng, AI còn hỗ trợ anh phân tích dữ liệu và đưa ra các xu hướng thị trường. “Mình cảm thấy mình như có thêm một cộng sự đáng tin cậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào,” Quang nói với nụ cười tự tin.
Không chỉ riêng Quang, nhiều người trẻ giống anh cũng đang tận dụng AI để nâng cao hiệu suất công việc. Lê Thanh Phương (26 tuổi), chuyên viên marketing tại TP.HCM, cho biết cô nàng sử dụng AI hàng ngày để tối ưu hóa công việc. “Mình dùng ChatGPT, Gemini để viết nội dung email, phân tích dữ liệu khách hàng, thậm chí là lập kế hoạch truyền thông.” Phương chia sẻ.
Quang và Phương không phải là người duy nhất tận dụng trí tuệ nhân tạo để tăng hiệu suất làm việc. Theo một nghiên cứu từ Google Workspace vào tháng 11/2024, có đến 88% người trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Gen Y sử dụng AI để hoàn thành công việc. Đối với những nhân viên trẻ như Quang và Phương, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là “cộng sự đắc lực.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hoàn toàn thoải mái trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Đặng Thị Minh Hạnh (26 tuổi), nhân viên hành chính tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng, không giấu được sự lo lắng: “Công việc của mình chủ yếu liên quan đến nhập liệu và soạn thảo văn bản, những thứ mà AI có thể làm rất tốt. Thậm chí, mình từng nghe sếp nói rằng một số công ty đã cắt giảm nhân sự vì họ có thể thay thế bằng AI.”
Hạnh thừa nhận rằng nỗi lo này đã "thúc đẩy" cô nàng bắt đầu tìm hiểu về cách sử dụng các công cụ AI để bổ sung kỹ năng mới. “Mình đã học cách dùng Excel nâng cao và thử tìm hiểu thêm về lập trình cơ bản. Mình nghĩ rằng nếu mình có thể kết hợp kỹ năng cá nhân với sự hỗ trợ của AI, thì sẽ khó bị thay thế hơn,” cô chia sẻ.
Liệu công việc có bị AI thay thế?
Nỗi lo của Hạnh không phải không có cơ sở. Báo cáo từ Challenger, Gray & Christmas – một công ty tư vấn nhân sự tại Mỹ – chỉ ra rằng từ tháng 5/2023 đến tháng 2/2024, đã có hơn 4.600 công việc bị cắt giảm do AI thay thế. Tuy nhiên, bên cạnh sự lo lắng, nhiều người trẻ như Quang hay Phương lại nhìn nhận AI là cơ hội để họ học hỏi và phát triển hơn.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, chuyên gia công nghệ thông tin, lập trình viên web3.0 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Sotatek Việt Nam, sự bùng nổ của AI trong môi trường làm việc không phải là điều đáng lo ngại, mà là một cơ hội cần được tận dụng. “AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận công việc. Nhưng mấu chốt nằm ở chỗ con người có sẵn sàng nâng cấp chính mình để hợp tác với AI hay không,” anh nhận định.
Anh Tuyên nhấn mạnh rằng AI chủ yếu thay thế các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, tiêu tốn thời gian và không đòi hỏi sự sáng tạo cao. Ví dụ, trong ngành hành chính văn phòng, AI có thể tự động hóa quy trình lập lịch, nhập liệu, thậm chí soạn thảo văn bản cơ bản. Điều này giúp người lao động tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược hơn như giải quyết vấn đề, xây dựng mối quan hệ hay phát triển ý tưởng mới.
Tuy nhiên, Thạc sĩ cũng cảnh báo rằng nếu không thích nghi kịp thời, người lao động có nguy cơ bị tụt hậu. “Điều quan trọng không chỉ là biết cách sử dụng AI, mà còn phải hiểu cách tận dụng nó để tạo ra giá trị. Kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và giao tiếp hiệu quả sẽ trở thành những lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong thời đại công nghệ,” anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Lan, chuyên viên nhân sự tại Công ty Cổ phần One Mount Group, nhấn mạnh rằng AI sẽ không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn con người ở các lĩnh vực đòi hỏi yếu tố cảm xúc. “Công nghệ có thể phân tích dữ liệu nhanh chóng, nhưng chỉ con người mới có thể hiểu được cảm xúc, nhu cầu ẩn sâu bên trong của khách hàng. Ví dụ, một nhân viên bán hàng không chỉ cần cung cấp thông tin mà còn phải biết lắng nghe và giải quyết mối quan tâm của khách hàng,” chị giải thích.
Đồng thời, chị Lan cũng đưa ra lời khuyên rằng người trẻ nên học cách sử dụng AI để tối ưu hóa công việc thay vì lo sợ sẽ thay thế mình. “Hãy coi AI như một cộng sự, không phải đối thủ. Đầu tư vào việc học hỏi cách vận hành các công cụ này sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng,” chị nhấn mạnh.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/xu-huong-ung-dung-ai-trong-cong-viec-cua-genz-post1706341.tpo