Xu hướng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn năm 2024
Năm 2024, các thị trường lớn của Việt Nam là Mỹ, EU tiếp tục có những thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó thương mại với Trung Quốc dự báo tiếp tục ổn định.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2024, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, sau 2 năm kinh tế Liên minh châu Âu (EU) khủng hoảng, hiện tại nền kinh tế của khu vực đã bắt đầu có một số điểm sáng, bao gồm lạm phát giảm tạo ra thu nhập mạnh hơn đối với người dân.
Các chuyên gia dự báo kinh tế EU trong năm 2024 tăng trưởng nhẹ khoảng gần 1% và tăng mạnh khoảng 1,5% vào năm 2025, thương mại sẽ hồi phục 1,7% chiều nhập khẩu và 1,1% chiều xuất khẩu; mức tăng trưởng thương mại sẽ ghi nhận tăng gấp đôi vào năm 2025.
Dù vậy, ông Quân cũng lưu ý, dù kinh tế của EU có dấu hiệu khôi phục nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm. Do đó, cạnh tranh về giá tại EU hiện nay được các nhà nhập khẩu chuỗi phân phối quan tâm nhiều hơn, hầu hết các nhà phân phối từ chối các đơn hàng, nhãn hàng tăng giá nhiều tại các trung tâm siêu thị, phân phối. “Năm 2024 mức cạnh tranh về giá là một trong những ưu tiên tại EU”, ông Quân cho biết.
Ngoài giá, các quy định nhập khẩu trong năm 2024 được EU thực hiện nhiều, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và vấn đề phát triển xanh, sạch. Bao gồm, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) liên quan trực tiếp tới mặt hàng xuất khẩu thép, xi măng, phân bón của Việt Nam.
Đồng thời, EU cũng đưa ra quy định về trách nhiệm dài hạn của chống phá rừng (EUDR), quy định này yêu cầu các mặt hàng liên quan là cà phê, gỗ, cao su phải được thực hiện chứng nhận, chống phá rừng. Năm 2024, EU cũng dự định đưa ra các quy chế về Ecodesign, trong đó yêu cầu giảm thiểu rác thải trong dệt may.
Năm 2024, cùng với các quyết định triển khai, EU cũng tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với tất cả nhóm hàng thực phẩm vào EU. Ông Quân cho biết, hiện tại người tiêu dùng khu vực này bày tỏ quan ngại lớn về chất lượng an toàn thực phẩm, không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn với hàng sản xuất trong nội khối của EU khi mà các doanh nghiệp cũng bắt đầu có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm.
Tháng 1/2024 vừa qua, EU đã phê chuẩn kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, tập trung vào hàng thủy sản, mật ong và đang xem xét đối với trứng và sữa. Tháng 1 năm nay EU cũng đưa ra các biện pháp khẩn cấp kiểm soát chất lượng thị trường, trong đó đã đưa mã hàng sầu riêng của Việt Nam vào diện theo dõi cửa khẩu.
Tại thị trường Mỹ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đang sửa đổi pháp luật về phòng vệ thương mại. Theo đó, sẽ có một số điều chỉnh liên quan đến công tác điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, bao gồm cách xác định mức trợ cấp mới cũng như đưa ra khái niệm về tình huống đặc biệt trong điều tra chống bán phá giá. “Đây là những nội dung mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lương Văn Tài – Bí thư thứ 3, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, năm 2024 xu hướng hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc có thể theo chiều hướng ổn định và dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại với đa số các nước lớn trên thế giới.
Năm 2025, Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Do đó, trong năm 2024, cơ chế hợp tác thương mại hai nước dự báo sẽ đi vào chiều sâu nhằm thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ thương mại hai nước đạt kết quả tốt đẹp.
“Trong các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo Trung Quốc sẽ ưu tiên và hỗ trợ đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động này hơn, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận thị trường”, ông Tài nói.
Trong tháng 3/2024, đoàn lãnh đạo của tỉnh Sơn Đông với khoảng 50 doanh nghiệp lớn tại địa phương sẽ sang Việt Nam. Đây được đánh giá là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh Sơn Đông.
Mặt khác, theo ông Tài, trong bối cảnh chi phí vận tải tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang hướng tới tìm kiếm nguồn cung từ khu vực lân cận, thay thế đơn hàng châu Âu.
Theo Thương vụ, dư địa cho nông sản Việt Nam tại Trung Quốc còn rất lớn. Riêng đối với trái sầu riêng, năm 2023, mặt hàng này xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2023 Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 6,5 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam chỉ mới được mở cửa thị trường từ tháng 7/2022. “Với thành công của trái sầu riêng, các trái cây thế mạnh khác của Việt Nam có thể đạt kết quả tương tự”, ông Tài nhận định.