Xử lý các cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội: Sớm gỡ bỏ vướng mắc
Việc xử lý các cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhưng việc thực hiện vẫn còn rất chậm vì nhiều nguyên nhân.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, ngành chức năng cùng các địa phương của thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.
Nguyên nhân từ đâu?
Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 của HĐND thành phố Hà Nội quy định “việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực” được ban hành nhằm khắc phục tồn tại ở hàng nghìn công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, theo UBND thành phố, tiến độ thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND vẫn còn chậm so với lộ trình đã đề ra, với 66/2.980 cơ sở (chiếm 7,3%) hoàn thành việc khắc phục (lũy kế từ các năm trước mới hoàn thành 278 cơ sở), trong khi chỉ tiêu trong năm 2023 là hoàn thành ít nhất 30% và đến năm 2025 phải hoàn thành 100%.
Công ty cổ phần Thiết bị cơ điện và xây dựng ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) được xây dựng từ những năm 1950-1960, nên còn nhiều thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy.
Từ những tồn tại được chỉ ra, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cổ phần Thiết bị cơ điện và xây dựng Nguyễn Thiệu Hùng cho biết, do đặc điểm công trình được xây dựng từ lâu và nguồn kinh phí có hạn, nên việc khắc phục vẫn chưa triệt để. “Đến năm 2025, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục hoàn toàn những thiếu sót liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy”, ông Nguyễn Thiệu Hùng nói.
Bên cạnh đó, số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND sử dụng ngân sách nhà nước là rất lớn với 2.481 cơ sở, chiếm 83,5% tổng số cơ sở. Theo UBND thành phố Hà Nội, đến nay, phần lớn các cơ sở này vẫn chưa chủ động khái toán kinh phí để báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Tăng cường trách nhiệm giải quyết công việc
Là một trong số ít địa phương có 100% cơ sở (188/188) đã cam kết lộ trình, thời hạn, xây dựng kế hoạch khắc phục được UBND cùng cấp phê duyệt, Trung tá Nguyễn Hùng Nam, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, Công an quận tham mưu UBND quận đình chỉ hoạt động, đề xuất di dời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND dù có cam kết nhưng quá thời hạn mà không hoàn thành việc khắc phục và không thực hiện các nội dung khác được quy định.
Về trách nhiệm các bên liên quan, UBND thành phố đã nghiêm túc phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra chậm trễ, thiếu sót trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổng kiểm tra, rà soát, thống kê các chung cư, nhà tập thể cũ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND nhưng chưa đưa vào danh mục Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố để tham mưu UBND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung vào danh mục các khu chung cư, nhà tập thể thuộc đề án này. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành trung ương chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trong diện đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND khẩn trương thực hiện khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính:
Khắc phục nội dung khả năng thực hiện được
Nguồn kinh phí để tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở vi phạm là rất lớn. Các công trình vi phạm chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nên rất khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu khi thẩm duyệt theo quy định. Việc thực hiện khắc phục những tồn tại, vi phạm bảo đảm theo đúng quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được, trừ khi phá bỏ và thiết kế xây dựng lại.
Trước mắt, huyện Phú Xuyên tập trung vào hướng dẫn khắc phục những nội dung tồn tại có khả năng thực hiện được phải làm ngay; khắc phục ngay những tồn tại, vi phạm mà có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc những tồn tại, vi phạm là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ gây thiệt hại về người. Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:
Kiến nghị sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức còn tồn tại các cơ sở chưa được thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, một phần do được xây dựng từ lâu, một phần do chi phí đầu tư cho công tác này khá lớn. Đối với các cơ sở này, nếu đình chỉ hoạt động thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế địa phương, cũng như đời sống của hàng nghìn công nhân.
Huyện Hoài Đức kiến nghị sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy cùng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với công trình thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố; các công trình chưa nghiệm thu đưa vào hoạt động; các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất vi phạm; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke...
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Công an huyện tham mưu các biện pháp, giải pháp khắc phục đối với các chủ đầu tư; kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện điều chỉnh…
Thượng tá Ngô Tiến Long, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh:
Cần điều chỉnh quy định về xử phạt
Chế tài xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy còn ở mức thấp; quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa rõ ràng, khó thực hiện dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước không cao. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc cho việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể theo hướng: Chuyển hóa trách nhiệm kiểm tra cho người đứng đầu cơ sở; thực hiện xã hội hóa công tác kiểm tra.
Điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng mức tiền phạt đối với vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu hình sự hóa một số hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy có nguy cơ xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Tiến Thành ghi