Xử lý các vấn đề theo kết luận của Chủ tọa Kỳ họp

Cần xử lý dứt điểm các vi phạm trong lĩnh vực đê điều, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước và thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong các cơ sở chăn nuôi... là những nội dung được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp HĐND tỉnh trước đây.

Thực hiện kết luận của Chủ tọa Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, giải quyết dứt điểm các vấn đề làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh trên địa bàn.

Tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang đê điều, công trình giao thông cho các chủ phương tiện vận tải, chủ bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ hành lang đê điều, công trình giao thông cho các chủ phương tiện vận tải, chủ bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Xử lý những vi phạm liên quan đến đê điều, lòng bãi sông

Tại Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, một trong những vấn đề được đại biểu đưa ra chất vấn là tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đê điều, bảo vệ giao thông trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kết luận của Chủ tọa Kỳ họp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị kiểm tra, rà soát, có giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm xử lý rốt ráo, dứt điểm các vi phạm.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Tuấn- TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sau kiểm tra, rà soát, các hoạt động liên quan đến phạm vi bảo vệ đê điều và đường bộ đã có chuyển biến tích cực; nhiều chủ bến, bãi đã chủ động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp phép bến thủy nội địa, cấp phép xây dựng... theo quy định. Trong 167 trường hợp vi phạm liên quan đến đê điều, lòng bãi sông, bến thủy nội địa được phát hiện, đã xử lý 64 vụ, còn tồn tại 103 vụ, đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 27 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm các vi phạm này còn gặp khó khăn do các bến, bãi bốc xếp hàng hóa đã hoạt động từ lâu và trước đây do Cục Đường thủy nội địa cấp phép, sau khi được cấp phép một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình ở bãi sông, lòng sông không đúng quy định. Các vi phạm liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, một số vi phạm không có hồ sơ xử lý, đã hết thời hiệu xử phạt...

Thời gian tới, để xử lý dứt điểm các vi phạm, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, không để phát sinh các vi phạm mới; phối hợp xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm. Đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hoạt động bến bãi, bốc xếp hàng hóa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.

Đặc biệt, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị rà soát các bến, bãi bốc xếp hàng hóa không phù hợp quy hoạch, hoạt động không hiệu quả hoặc cố tình vi phạm để tham mưu, đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động, báo cáo UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch bến thủy nội địa và thu hồi dự án đầu tư.

Bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Thực hiện yêu cầu của Chủ tọa Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIX về quản lý việc khai thác, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước, ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với 15 hồ chứa quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu nước, hạn hán trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo, nhất là đối với các công trình khai thác cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 203 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, qua rà soát, kiểm tra hiện trạng 188 công trình, có 53 công trình đang hoạt động, 135 công trình đã ngừng hoạt động. Để nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2606/KH-UBND ngày 12/7/2023 về cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2028 đối với 26 công trình theo quy định; giai đoạn 2024 - 2028 dự kiến cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 11 công trình với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Toàn cảnh khu vực trại gà quy mô 1,2 triệu gà mái đẻ/năm của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ.

Toàn cảnh khu vực trại gà quy mô 1,2 triệu gà mái đẻ/năm của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ.

Không mở rộng, nâng công suất trang trại nuôi gà của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ

Đối với vấn đề ô nhiễm do chất thải từ hoạt động chăn nuôi của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, thực hiện kết luận của Chủ tọa Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, UBND huyện Cẩm Khê tổ chức hội nghị, làm việc với đại diện người dân, doanh nghiệp để đánh giá cụ thể thực trạng ô nhiễm do chất thải từ hoạt động chăn nuôi của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (tại huyện Cẩm Khê), sớm có biện pháp sớm khắc phục.

Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, nguyên nhân của tình trạng bốc mùi tại trang trại gà đẻ trứng thương phẩm tại xã Đồng Lương là do quá trình hoạt động xử lý phân và mùi của Công ty còn chưa triệt để; việc quản lý, vận hành hệ thống xử lý phân chưa chặt chẽ, có thời điểm chưa đảm bảo quy trình làm phát tán mùi, ảnh hưởng đến xung quanh. Bên cạnh đó, dự án có quy mô chăn nuôi 1,2 triệu con gà mái đẻ/năm, thuộc trang trại quy mô lớn theo Luật Chăn nuôi nhưng khoảng cách từ chuồng nuôi tới hộ dân gần nhất là 100m, khoảng cách từ khu xử lý chất thải đến nhà dân gần nhất là 150m, chưa đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Tại buổi làm việc, Công ty đã thống nhất không mở rộng, nâng công suất trang trại tại xã Đồng Lương. Quá trình hoạt động, Công ty đã đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải, thu gom, xử lý khí, mùi từ nhà gà, hệ thống xử lý phân, trồng thêm cây xanh...) và được kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định...

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xu-ly-cac-van-de-theo-ket-luan-cua-chu-toa-ky-hop-215079.htm