Xử lý cán bộ, công chức có yêu cầu trái quy định khi giải quyết thủ tục hành chính
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 của thành phố Hà Nội đạt hơn 80%.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 của thành phố Hà Nội đạt hơn 80%.
Ðể cải thiện Chỉ số SIPAS trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại các phòng, ban, đơn vị không thông qua bộ phận một cửa; những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, có những yêu cầu trái quy định; thực hiện nghiêm quy định về việc thông báo hồ sơ quá hạn và xin lỗi đối với hồ sơ quá hạn, lỗi trong tiếp nhận hồ sơ. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đầu tư kinh phí, cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, cung cấp thêm các trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức tại bộ phận một cửa; kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính tại các phòng chuyên môn và bộ phận một cửa các đơn vị trực thuộc.
Ðẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban Quản lý) đang tập trung triển khai bảy dự án trọng điểm gồm: cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt và đường Nguyễn Văn Huyên; nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Ðàm; đường Tản Lĩnh - Yên Bài; đường gom vào khu công nghiệp Bắc Thường Tín; đường nối từ Trường đại học Mỏ - Ðịa chất vào khu công nghiệp Nam Thăng Long; đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch -
Cầu Thăng Long. Sáu tháng cuối năm nay, Ban Quản lý sẽ tập trung thi công hoàn thành 12 dự án cầu vượt cho người đi bộ, giải quyết dứt điểm sáu dự án còn vướng giải phóng mặt bằng để có thể hoàn thành trong năm 2020 như: đường gom nối đường Ðài Tư - Sài Ðồng A ra quốc lộ 5; đường Văn Cao - Hồ Tây, đoạn từ phố Thụy Khuê đến Hồ Tây; đường trục phát triển thị xã Sơn Tây; cầu Chiếc, cầu Kim Quan; đường nối từ quốc lộ 5 vào Khu Công nghiệp Hapro.
Tăng cường kiểm tra, xử lý cây nguy hiểm trong mùa mưa, bão
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai các quy định về công tác quản lý, duy tu cây xanh, vườn hoa. Trong đó, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên, phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý xử lý cây nguy hiểm và ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị. UBND quận, huyện, thị xã trực thuộc quản lý hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường, trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa và nơi công cộng khác. Cơ quan chủ quản các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao chủ động lựa chọn đơn vị có đủ năng lực theo quy định để thực hiện công tác duy tu, duy trì cây xanh trong cơ quan, đơn vị, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát cây xanh trong cơ quan,đơn vị mình quản lý để phát hiện cây nguy hiểm.
Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì năm 2020. Ðối tượng tham gia là người nghiện ma túy đã được UBND xã, phường, thị trấn quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, người tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Mê-tha-đôn và người nghiện ma túy có nhu cầu tham gia điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện. Thông qua điểm tư vấn, phấn đấu tất cả người sử dụng ma túy, người nghiện, người sau cai nghiện và gia đình được truyền thông về phòng, chống ma túy. Tiếp nhận, tư vấn chăm sóc điều trị, tư vấn pháp lý và xã hội cho 100 lượt người (mỗi điểm tư vấn 25 lượt người), ít nhất 40% số người đến tư vấn được chuyển gửi đến các cơ sở cung cấp dịch vụ. 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện được quản lý, hỗ trợ giúp đỡ phòng, chống tái nghiện.