Xử lý chất thải rắn có kích thước lớn: Khó vì chưa có quy định cụ thể

Hiện nay, chất thải rắn có kích thước lớn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của người dân, như: Giường, tủ, bàn, ghế sofa, đệm, xốp... (gọi chung là chất thải rắn cồng kềnh) ngày càng nhiều và không được thu gom kịp thời. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật hơn cả là vì thành phố chưa có quy định cụ thể đối với loại rác thải này nên công tác thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn...

Tràn lan chất thải rắn cồng kềnh

Theo thống kê sơ bộ của các quận, huyện, mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra môi trường khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Mặc dù, UBND các quận, huyện đã tích cực chỉ đạo các nhà thầu thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý, tuy nhiên vẫn có một lượng lớn chất thải rắn cồng kềnh không được vận chuyển, xử lý, khiến cảnh quan môi trường nhếch nhác, ô nhiễm...

Vỉa hè phố Khương Đình (quận Thanh Xuân) biến thành nơi tập kết chất thải rắn cồng kềnh.

Quan sát thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới, trước cửa số nhà 162, đường Lê Trọng Tấn; tại vỉa hè trước số nhà 15, 17 Ngọc Khánh; vỉa hè phố Khương Đình và Vũ Tông Phan (bờ sông Tô Lịch) hay trên các phố như: Nguyễn Xiển, Xã Đàn, Khâm Thiên, Hoàng Cầu... từ lâu đã trở thành điểm thải các loại giường, tủ, bàn, ghế sofa, đệm mút... Có ngày, rác kích thước lớn bị đổ tràn làn, không còn lối cho người đi bộ.

Còn tại khu vực ngoại thành, tình trạng người dân đổ chất thải rắn cồng kềnh cũng diễn ra khá phổ biến tại một số huyện như: Hoài Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ... Tại một số điểm, người dân còn đốt chất thải rắn cồng kềnh, gây khói bụi ô nhiễm môi trường.

Theo đại diện lãnh đạo đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng như một số địa phương trên địa bàn thành phố, người dân thường đổ trộm loại chất thải này vào lúc chiều tối hoặc 2h đến 5h sáng nên việc bắt, xử lý gặp khó khăn...

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) nhận định: Nhu cầu thay đổi vật dụng gia đình của người dân tăng, nên các vật dụng cũ bị loại bỏ phát sinh với khối lượng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, do Hà Nội chưa có quy định riêng về việc thu gom, phân loại và xử lý đối với loại rác thải này nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa nghiêm và thường xuyên; ý thức của người dân còn hạn chế...

"Hà Nội đang thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 3-6-2013 của UBND thành phố. Theo đó, các đơn vị vệ sinh môi trường chỉ thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường; còn chất thải rắn có kích thước lớn không nằm trong danh mục thu gom" - ông Nguyễn Văn Quý cho biết thêm.

Cần sớm có quy định cụ thể

Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành, một số quận, huyện đã có những giải pháp riêng để xử lý số rác thải cồng kềnh trên địa bàn, nhưng hiệu quả chưa cao. Về điều này, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân cho biết, UBND quận đã yêu cầu UBND các phường khảo sát, chọn vị trí cố định tập kết những loại chất thải cồng kềnh và cuối năm 2018, 11/11 phường đã tìm được vị trí, thông báo để nhân dân biết.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không chấp hành. Bên cạnh đó, mặc dù UBND quận chỉ đạo đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt phải thu gom triệt để chất thải cồng kềnh, nhưng không thể thu gom hết vì số lượng rác này phát sinh ngày càng lớn...

Trong khi đó, những đơn vị thu gom, xử lý rác cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cũng liên tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tuyên truyền, thông báo các hộ dân tập kết rác thải cồng kềnh đến các điểm tập kết theo quy định.

Thế nhưng, rất ít hộ gia đình nhờ dịch vụ thu gom hoặc mang rác cồng kềnh đến nơi tập kết. Còn ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công cho biết: "Để thu gom, vận chuyển loại rác thải này, đơn vị phải bố trí thêm nhân công dỡ, đập nhỏ, tăng chuyến xe vận chuyển để mang đi xử lý bằng máy chuyên dụng...". Đây là việc phát sinh, không có trong hợp đồng thu gom, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, nên về lâu dài, đơn vị sẽ khó bố trí nguồn chi.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, nhằm thống nhất việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn thành phố, từ năm 2018, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng Dự thảo Quy định quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất trên địa bàn thành phố, trong đó có đề cập công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh. Cuối năm 2018, dự thảo đã được gửi đến các sở, ngành, quận, huyện đề nghị góp ý, nhưng đến nay quy định vẫn chưa được ban hành.

Thực tế này cho thấy, việc thiếu các quy định trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng rác thải có kích thước lớn không được xử lý hiệu quả.

Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, như quy định người dân Malaysia buộc phải phân nhỏ đồ đạc "quá khổ" cho vừa thùng rác công cộng; hay Chính phủ Nhật Bản quy định người dân muốn bỏ rác kích cỡ lớn phải thông báo trước với chính quyền địa phương, phải thanh toán đầy đủ các khoản vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh... các cơ quan chức năng nên tìm hiểu để vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Để sớm chấm dứt những bất cập trong xử lý rác thải kích cỡ lớn, đề nghị sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan của thành phố sớm hoàn thiện dự thảo nêu trên để có cơ sở thực hiện đồng nhất trên địa bàn Thủ đô.

Bài, ảnh: Hoàng Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/942377/xu-ly-chat-thai-ran-co-kich-thuoc-lon-kho-vi-chua-co-quy-dinh-cu-the