Xử lý chất thải rắn công nghiệp cần ưu tiên tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất

Tiếp thu ý kiến từ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp thường vụ quốc hội thứ 47, sáng 12/8 đã có những chỉnh lý. Trong đó, đối với chất thải rắn công nghiệp cần ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, việc phân định, phân loại tro, xỉ cần đảm bảo các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy.

Về vấn đề này, phát biểu tại phiên họp, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) đã trình bày, tại Kỳ họp thứ 9, có nhiều ý kiến cho rằng việc phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường chưa căn cứ vào tính chất của chất thải. Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh sửa, phân loại lại. Đồng thời, bổ sung quy định để có thể sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) lần này đã chỉnh lý và quy định chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 3 nhóm sau: Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; Nhóm chất thải rắn sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý như tại khoản 1 Điều 82.

Đối với tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện phải được phân định, phân loại để quản lý phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy. Chất thải làm nguyên liệu sản xuất thì được quản lý như đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo từng mục đích sử dụng như: sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp mặt bằng.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường trình bày báo cáo tại phiên họp

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường trình bày báo cáo tại phiên họp

Cụ thể, về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, tại Mục 3, Chương VI, tại Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) cũng đã đưa ra những quy định mới đối với các chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý theo quy định pháp luật.

Về trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường: phải bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị, lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường) đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định. Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.

Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu: Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Phải phù hợp với kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc hồ sơ môi trường tương đương. Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, trừ trường hợp phù hợp nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.

Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Phan Xuân Dũng cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải nguy hại, quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác, ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường…

Phát biểu ý kiến đánh giá chung về Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho hay, trong đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn và chất thải lớn cần phải quy định rõ cơ chế thu hút đầu tư tại cơ sở. Nếu từng địa phương thu hút đầu tư cơ sở xử lý chất thải sẽ không phát huy hết công suất về nguyên liệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị và phối hợp của Ủy ban KHCN&MT với Bộ TN&MT để tiếp thu và hoàn thiện cho một dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị và phối hợp của Ủy ban KHCN&MT với Bộ TN&MT để tiếp thu và hoàn thiện cho một dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, đối với việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm làm sao phân cấp rõ hơn trong vấn đề xử lý của cấp Trung ương và địa phương. “Như vừa qua phân cấp cho Chủ tịch UBND xã, huyện nhưng việc xử lý còn vướng, chưa nghiêm, tức là cần làm rõ trách nhiệm của các cấp. Vì hiện có cảnh sát môi trường, thanh tra, xử lý vi phạm nhưng cái quan trọng chính là xử lý tin tố giác của người dân. Cho nên các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý tin báo tố giác của người dân”-Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.

Cũng đề cập đến vấn đề xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định phạt về những vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường với mức phạt tối đa là 40 triệu đồng còn hành vi không bảo vệ môi trường không biết xử phạt bao nhiêu? Do đó cần quan tâm đến vấn đề này.

Bên cạnh đó, các vấn đề về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về giấy phép môi trường và nguồn lực kinh tế cho bảo vệ môi trường cũng được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị và phối hợp của Ủy ban KHCN&MT với Bộ TN&MT để tiếp thu và hoàn thiện cho một dự án Luật này và có tác động rất lớn tới đời sống, kinh tế, xã hội. Do đó Luật BVMT (sửa đổi) rất quan trọng và cần được hoàn thiện để luật sớm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xu-ly-chat-thai-ran-cong-nghiep-can-uu-tien-tai-su-dung-tai-che-lam-nguyen-lieu-san-xuat-142106.html