Xử lý chất thải rắn nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp góp phần giúp kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn có nhiều biến chuyển tích cực. Bên cạnh đó, chất thải rắn nông nghiệp (CTRNN) ngày càng gia tăng cũng đang tạo áp lực đối với môi trường nông thôn, buộc các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, thu gom, xử lý. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp góp phần giúp kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn có nhiều biến chuyển tích cực. Bên cạnh đó, chất thải rắn nông nghiệp (CTRNN) ngày càng gia tăng cũng đang tạo áp lực đối với môi trường nông thôn, buộc các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, thu gom, xử lý.

Chăn nuôi lợn quy mô gia trại tại hộ gia đình bà Vũ Thị Đông xóm 7, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng).

Trước hết, các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về sự nguy hại cũng như sự lãng phí các loại rác thải nông nghiệp không được xử lý đối với môi trường và con người, từ đó nâng cao ý thức cho bà con nông dân trong việc thu gom và xử lý. Vận động các cơ sở sản xuất, hộ dân thực hiện thu gom CTRNN ngay tại đồng ruộng, trang trại; tùy từng loại rác và mục đích sử dụng để có phương án xử lý thích hợp, khuyến khích tái sử dụng, tái chế. Theo Sở NN và PTNT, từ năm 2013 đến nay, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng, lắp đặt công trình biogas nhằm thu gom, tận dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để xử lý, tạo khí sinh học tái sử dụng cho hoạt động sinh hoạt của gia đình cũng như tạo năng lượng vận hành thiết bị phục vụ hoạt động của trang trại, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm kinh phí. Hiện toàn tỉnh có khoảng 95% trang trại và 30% hộ chăn nuôi đã đầu tư hầm biogas. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi còn được các hộ tận dụng để ủ làm phân, bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho cá, nhiều nhất là tại các trang trại đầu tư kết hợp chăn nuôi với nuôi trồng thủy sản. Chất thải trồng trọt, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cũng được tận dụng vào nhiều công đoạn sản xuất, sinh hoạt. Các địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, thu hoạch lúa bằng máy gặt nên rơm rạ được cắt nhỏ ngay tại ruộng và cày lật vùi xuống đất cho phân hủy, bổ sung mùn và chất hữu cơ cho đất; rơm rạ dư thừa còn được cung cấp cho các cơ sở trồng nấm làm nguyên liệu giá thể cấy nấm; cây ngô, rơm làm thức ăn cho gia súc; rau củ quả hỏng được tận dụng để làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ làm phân bón hữu cơ cho cây trồng; trấu cung cấp cho đơn vị sản xuất chất đốt, làm chất độn chuồng trong chăn nuôi.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác quản lý, xử lý CTRNN của tỉnh vẫn tồn tại các bất cập cần quan tâm khắc phục. Cụ thể, chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt ngày càng gia tăng lượng phát sinh trong khi việc tái sử dụng, xử lý mới chỉ được một khối lượng nhỏ. Tại hầu hết các địa phương, dù đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn hiện tượng đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí, chai nền ruộng hoặc hư hỏng công trình giao thông (đốt ven đường). Tỷ lệ hộ chăn nuôi đã đầu tư hầm biogas trên toàn tỉnh còn thấp. Đáng kể, việc bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp phát sinh một lượng đáng kể bao bì, vỏ chai, lọ. Ở nhiều địa phương tuy đã xây dựng bể bê tông xi măng tại các ruộng để thu gom bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng vẫn tồn tại tình trạng vứt vương vãi vỏ bao bì dọc theo kênh mương, đường giao thông nội đồng. Theo Sở TN và MT, nguồn lực tài chính của các địa phương đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nói chung còn hạn chế; chủ yếu dùng vào các hoạt động tuyên truyền, tổ chức cải tạo, dọn dẹp cảnh quan vệ sinh môi trường nơi sinh sống. Nguồn kinh phí hạn hẹp là nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành đến thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của nông dân, các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Đáng bàn, số lượng cán bộ phụ trách công tác quản lý tài nguyên và môi trường của toàn ngành nói chung và của các địa phương còn thiếu. Trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, cộng với nhiều phần việc phải ưu tiên bố trí nhân lực xử lý (nhất là cấp xã có 1 cán bộ phụ trách nhưng nhiệm vụ trọng tâm vẫn là địa chính). Vì các lý do kể trên, công tác quản lý, xử lý CTRNN nói riêng (trong đó bao gồm việc xử lý vi phạm) còn nhiều hạn chế.

Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện một số nội dung sau: Các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị tăng cường vào cuộc, nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các quy định, xây dựng các chế tài đúng thẩm quyền, phù hợp với địa phương về quản lý CTRNN đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRNN nói riêng; kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tăng cường nhân lực cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường ở các cấp. Đối với cán bộ chuyên môn cấp xã nên bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn về môi trường; quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện công tác chuyên môn. Các địa phương tích cực mở các lớp tập huấn phổ biến nâng cao kiến thức về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật an toàn, các biện pháp kỹ thuật canh tác, giống cây trồng mới kháng sâu bệnh để giảm thiểu chất thải nguy hại; huy động nguồn kinh phí hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các mô hình xử lý, tái sử dụng, tái chế các chất thải nông nghiệp như chế biến phân hữu cơ vi sinh, khí sinh học (biogas), trồng nấm…; vận động nông dân áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tăng cường nguồn lực, kinh phí phục vụ cho công tác thu gom, xử lý CTRNN, chú trọng xử lý đúng cách vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong thời gian dài, đặc biệt vào chính vụ sản xuất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202104/xu-ly-chat-thai-ran-nong-nghiep-con-nhieu-han-che-2543410/