Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ: Còn nhiều hạn chế
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh đã quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT) trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có trên 4,9 triệu con gia cầm, hơn 259 nghìn con gia súc. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 178.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô gia đình.
Anh Chu Văn Khang, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Để phát triển kinh tế gia đình, từ nhiều năm nay gia đình tôi đã đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi năm gia đình nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 25 đến 30 con. Do chi phí lắp đặt hệ thống xử lý chất thải khá tốn kém nên từ nhiều năm nay gia đình chỉ gom vào hố để tưới, bón cây trồng. Điều này khiến chất thải bốc mùi, chảy trào ra ngoài môi trường, nhất là vào những ngày nắng nóng hoặc mưa lớn.
Không chỉ gia đình anh Khang, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh hiện cũng chưa có phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo VSMT. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có 85% số hộ chăn nuôi gia cầm sử dụng đệm lót sinh học, trên 22% số hộ chăn nuôi lợn lắp đặt hầm biogas, dùng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải rắn. Đối với các hộ chăn nuôi trâu, bò và các loại vật nuôi khác, người dân chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, chi cục đã hướng dẫn người dân chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn, vệ sinh; hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas xử lý chất thải. Từ năm 2007, nhờ chương trình "khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT và Tổ chức Hợp tác phát triển Hà Lan, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ lắp đặt 1.700 hầm biogas xử lý chất thải. Cùng đó, chi cục phối hợp tuyên truyền lồng ghép, hướng dẫn hộ chăn nuôi sử dụng các loại chế phẩm sinh học; đệm lót sinh học... Trung bình mỗi năm, chi cục phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 8 đến 10 cuộc có nội dung liên quan đến xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Mặc dù ngành chức năng tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền; quan tâm hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nhưng đến nay, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do nhận thức của người chăn nuôi chưa cao; chi phí đầu tư hệ thống xử lý thải chất thải khá tốn kém. Cùng đó, cán bộ quản lý môi trường ở cấp xã thường kiêm nhiệm, do vậy việc quản lý, kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi của các hộ dân chưa được thường xuyên, liên tục... Việc chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý thải ra môi trường không chỉ gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực nông thôn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
Theo khảo sát tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều thực hiện thu gom chất thải chăn nuôi tận dụng bón, tưới cho cây trồng. Thậm chí có những hộ còn xả thẳng ra khu vực xung quanh. Ngoài ra, có một số ít hộ chăn nuôi đã đầu tư lắp đặt hầm biogas xử lý chất thải. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi (trong đó 80% công trình do Nhà nước hỗ trợ, còn lại người dân chủ động lắp đặt). Tuy nhiên, dung tích các hầm biogas này nhỏ không xử lý được toàn bộ chất thải chăn nuôi của hộ gia đình.
Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, người dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo VSMT. Việc xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong chăn nuôi; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BVMT trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ; vận động người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung; quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi lắp đặt hệ thống xử lý chất thải hoặc cấp phát chế phẩm sinh học... hướng tới chăn nuôi theo mô hình VietGAP, đảm bảo VSMT.