Xử lý chủ đầu tư, nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa chỉ đạo xử lý chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện đầy đủ biển báo hiệu, rào chắn, đèn tín hiệu ban đêm,...gây mất an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ I, II, II, IV; Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các địa phương, Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục, Nhà đầu tư BOT đường bộ, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022.
Sẽ xử lý chủ đầu tư, nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết. Ảnh minh họa.
Cụ thể, Tổng cục yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1725/CĐ-TTg và của Bộ GTVT tại Công điện số 32/CĐ-BGTVT về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022.
Đồng thời triển khai quyết liệt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung kịp thời. Tăng cường lực lượng tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt.
Bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí và có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm. Bố trí nhân lực ứng trực để phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.
Các Cục Quản lý đường bộ I, II, II, IV; Sở GTVT các địa phương, Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, không để ùn tắc giao thông xảy ra do việc thi công công trình.
Đặc biệt chấn chỉnh các chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện đầy đủ biển báo hiệu, cọc tiêu, rào chắn, đèn tín hiệu ban đêm, chỉ dẫn giao thông và dừng thi công trong dịp Tết theo quy định.
Kiên quyết xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông, nhất là những vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; xây dựng lều quán, ki ốt bán hàng, dựng rạp để vật tư, hàng hóa trong phạm vi lòng, lề đường, taluy; xử lý dừng, đỗ xe trái quy định;...
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, nhà đầu tư BOT, VEC sửa chữa ngay hư hỏng trong thời gian bảo hành, đặc biệt trên các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1. Tổ chức các đoàn, đợt kiểm tra trên toàn bộ các tuyến đường được giao quản lý.
Tăng cường các biện pháp cảnh báo, tuyên truyền đối với lái xe khi đi qua các khu vực đèo dốc, có ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt tiềm ẩn mất an toàn giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông trên đường bộ.
Nhà đầu tư BOT, VEC yêu cầu các trạm thu phí sử dụng đường bộ có phương án tăng cường bố trí nhân viên bán vé, tăng số cửa thu soát vé. Mở cửa trạm để giải quyết ùn tắc theo quy định hoặc phân luồng khi cần thiết điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc.
Giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông đặc biệt trên các cửa ngõ ra, vào đô thị lớn, các tuyến đường huyết mạch trọng điểm, đầu mối giao thông như cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Bến xe Miền Đông, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm...
Đơn vị kinh doanh vận tải cần xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án tổ chức hoạt động vận tải phục vụ Tết vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID - 19 theo quy định.
Luôn luôn đảm bảo số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu vận chuyển khách và có phương án tăng cường, dự phòng phương tiện cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Đối với các đơn vị khai thác bến xe khách, Tổng cục Đường bộ đề nghị thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế và Tổng cục về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thành lập Ban chỉ đạo phục vụ vận chuyển hành khách, xây dựng kế hoạch tổng thể công tác phục vụ vận tải khách Tết tại địa phương. Tổ chức, bố trí cán bộ tại bến xe để hướng dẫn, hỗ trợ, ưu tiên trong việc bán vé xe và sử dụng các dịch vụ khác tại bến.
Triển khai các hình thức bán vé, niêm yết giá vé công khai, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé đồng thời có biện pháp phòng chống việc đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định gây mất trật tự xã hội.