Xử lý dứt điểm các ổ dịch tả heo châu Phi

Từ đầu năm đến nay, cả nước có ít nhất 346 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 25 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy hàng ngàn con. Tại Bình Thuận, cơ quan chức năng mới đây phát hiện 25 con heo từ một trang trại ở xã Tân Hà, huyện Hàm Tân bán ra thị trường có 3 con dương tính với virus dịch tả heo châu Phi...

Dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: Heo nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt heo nhiễm bệnh. Do khả năng sinh tồn của loại virus gây bệnh cao nên dịch có xu hướng lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người, không có mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng heo mắc bệnh dịch tả châu Phi có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho con người, gây ra rối loạn tiêu hóa khi người ăn phải tiết canh hay thịt heo bệnh chưa được nấu chín. Dịch tả heo châu Phi hiện lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh chưa có biện pháp phòng chống đặc hiệu. Bệnh không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, tuy nhiên có thể gây hay gián tiếp qua các bệnh khác.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc phát động và tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024, trong thời gian tháng 9 - 10/2024 trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo quy định. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật, việc phun khử trùng các khu vực chỉ thực hiện sau khi đã được quét dọn, rửa sạch... Các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. UBND tỉnh cho biết sẽ huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, đồng thời tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn heo và số lượng đàn heo thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch, xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi cho đàn heo thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh, xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng…

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xu-ly-dut-diem-cac-o-dich-ta-heo-chau-phi-123678.html