Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép ở Sốp Cộp
Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Sốp Cộp đang diễn ra ngang nhiên, khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói là việc khai thác cát lại diễn ra trên khu vực lòng hồ thủy điện Tà Cọ và trong khu vực rừng đặc dụng Sốp Cộp.
Điểm khai thác cát tại lòng hồ thủy điện Tà Cọ thuộc địa phận bản Co Hịnh, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Nơi diễn ra các hoạt động khai thác cát rất dễ nhận thấy khi lưu thông trên quốc lộ 4G, bởi điểm khai thác cát chỉ cách quốc lộ 4G chỉ vài bước chân. Thời điểm ngày 7/9, chúng tôi có mặt tại khu vực này vẫn xuất hiện 1 tàu hút cát, 1 tàu nạo vét lòng hồ đang hoạt động.
Quan sát, tàu hút cát hoạt động dường như theo quy trình mặc định, phụ thuộc vào mực nước lên, xuống của lòng hồ. Buổi sáng, khi nước lên thì tàu hút cát hoạt động ở phía trên bãi tập kết cát khoảng 1 km về phía thượng nguồn, vị trí này rất gần khu vực rừng đặc dụng. Buổi chiều, khi thủy điện xả nước thì tàu hút cát lại hoạt động ở vùng nước nông, chỉ cách bãi tập kết cát vài trăm mét và vị trí này thuộc lòng hồ thủy điện Tà Cọ. Sau khi hút đầy cát, tàu di chuyển đến 2 bãi tập kết nằm sát quốc lộ, những bãi cát này có đường tự mở đấu nối với quốc lộ để thuận tiện cho việc vận chuyển cát đi tiêu thụ.
Trong vai người đi mua cát, chúng tôi tiếp cận đối tượng V.A.M, qua trò chuyện được biết V.A.M được phân công trông coi bãi cát. Tại đây, cát vừa được hút từ lòng hồ lên. V.A.M thông tin: Chúng tôi làm cát đã mấy năm nay rồi và có 2 bãi cát thuộc bản Co Hịnh, những người đang hút cát đều làm thuê thôi. Có ngày hút được 7 tàu, có ngày 5 tàu, mỗi tàu chứa 8 m³ khối cát. Từ đầu năm đến nay, ngày nào cũng hút, cát ở đây chủ yếu bán cho người dân, cũng có lúc bán cho một công ty ở huyện Sốp Cộp. Khoảng 20 ngày mới hút đầy bãi cát, khi đó sẽ có người cho xe ô tô đến chở đi.
Khi chúng tôi nói muốn mua cát với số lượng lớn, V.A.M đề nghị chúng tôi gọi điện cho anh trai là ông Đ. Trao đổi qua điện thoại, ông Đ. trả lời với giọng rất cảnh giác: “Lâu rồi không bán nên chưa biết giá, để hỏi anh em làm cùng thống nhất giá đã. Năm ngoái bán với giá 70.000 đồng/m³ và có Công ty Hải Thọ (Sốp Cộp) đến mua”.
Tiếp tục thực địa tại bãi cát khác nằm trong khu vực rừng đặc dụng Sốp Cộp cách đó khoảng 1km về phía thượng nguồn. Con đường đất đấu nối từ quốc lộ 4G có chiều rộng khoảng 6m, dài khoảng 300m dẫn chúng tôi xuống khu vực tập kết cát, sỏi. Tại đây, xuất hiện một máy múc đang có hoạt động san gạt đất để làm đường. Một người đàn ông tên B.L, tự xưng là chủ ở đây cho chúng tôi biết: “Bãi này không có cát đâu, không có ai làm nữa đâu”.
Thái độ cảnh giác của ông B.L đã khiến chúng tôi nghi ngờ, hơn nữa khu vực này có tới 2 con đường được mở thẳng xuống dòng suối Nậm Công. Tiếp tục lần theo con đường này và tiếp cận khu vực gần suối, ở đây phát hiện có một bãi cát rất mới, có cả dấu vết vừa mới hoạt động của máy múc, vậy mà ông B.L nói rằng: Cát đó là do tôi đắp lên cho khỏi sạt lở.
Làm việc với Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ Sốp Cộp để xác định có biết vị trí các bãi cát ở khu quản lý của rừng đặc dụng hay không? Tại thời điểm thực địa chiều ngày 7/9, sau khi sử dụng thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để định vị, ông Lương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ Sốp Cộp, thông tin: Vị trí 2 bãi cát gần nhau ở bản Co Hịnh thuộc phạm vi lòng hồ của Nhà máy Thủy điện Tà Cọ quản lý nên Ban không xử lý và cấm được. Còn bãi cát ở cách đó 1 km về phía đầu nguồn thuộc phạm vi đất rừng đặc dụng phòng hộ do Ban quản lý, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng đình chỉ hoạt động của bãi cát đó. Diện tích lòng hồ Thủy điện Tà Cọ đã được UBND tỉnh quyết định cho Công ty chủ quản Nhà máy thủy điện Tà Cọ thuê, với diện tích hơn 30 ha, thời gian thuê là 50 năm. Việc cho thuê, cho mượn diện tích rừng đặc dụng là do UBND tỉnh quyết định, còn Ban chỉ là quản lý và bảo vệ. Hiện nay, việc khai thác, sử dụng trên diện tích lòng hồ là do Công ty chủ quản Nhà máy thủy điện Tà Cọ quản lý, bảo vệ. Theo luật thì đã nằm trong diện tích rừng đặc dụng thì việc khai thác thủy sản, khoáng sản đều bị cấm, tuyệt đối không được khai thác. Với sự việc khai thác cát ở lòng hồ thủy điện, Ban đã nhiều lần có văn bản đề nghị, nhưng vì nhà máy thủy điện đang được giao toàn quyền xử lý, sử dụng, nên không làm được gì.
Khi hỏi về vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên lòng hồ, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, nói: Huyện không quản lý lòng hồ Thủy điện Tà Cọ, nếu có thì họ đang nạo vét, cải tạo lòng hồ thôi. Lĩnh vực này để anh em chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời, tôi không phải dân kỹ thuật nên cũng khó...”.
Trong Báo cáo số 585/BC-UBND, ngày 25/6/2021 của UBND huyện Sốp Cộp, nêu rõ: Trong quý II năm 2021, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra 3 lượt trên địa bàn. Hiện tại có 6 điểm khai thác nhỏ lẻ, trong đó: xã Sốp Cộp 3 điểm, xã Púng Bánh 2 điểm và 1 điểm ở xã Mường Lèo. Đối tượng khai thác chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân; mục đích là phục vụ làm đường giao thông nông thôn, một số công trình công cộng, công trình hộ gia đình; hình thức khai thác nhỏ lẻ không tập trung, không thường xuyên, không gây sạt lở đất ven suối, không ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường xung quanh. Không có việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi quý II năm 2021 trên địa bàn huyện:
Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sốp Cộp, ông Vũ Triệu Phú, Trưởng phòng, cho biết: Trước đây, việc khai thác cát của một doanh nghiệp ở Sông Mã vào khai thác cát ở lòng hồ đã bị huyện xử lý, họ đã rút máy móc về. Còn trường hợp vét bùn thì thủy điện làm thường xuyên do tốc độ bồi lắng nhanh. Nếu có hiện tượng khai thác khoáng sản trên lòng hồ thủy điện Tà Cọ thì huyện, xã có trách nhiệm quản lý. Cát ở đây thì có, cơ bản là cát bùn, một số người dân ở bản Co Hịnh họ tận dụng để làm nhà tạm, công trình của bản, nhưng rất ít, không có quy mô lớn với mục đích thương mại thì không có...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Sốp Cộp chưa có điểm khai thác cát nào được cấp phép, dư luận đang rất quan tâm đến việc khai thác khoáng sản, mở đường, san gạt đất vào các điểm khai thác cát trái phép trên lòng hồ thủy điện Tà Cọ và rừng đặc dụng Sốp Cộp. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn việc khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện.