Xử lý dứt điểm việc xâm lấn rừng trồng cà phê ở bản Nà Cà

Theo nguồn tin phản ánh ở cơ sở, nhiều năm qua đã diễn ra tình trạng 78 hộ dân bản Nà Cà, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn phá rừng để trồng cây cà phê, nhưng chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật kéo dài.

Để đến khu vực có diện tích rừng bị phá và xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép, chúng tôi phải đi bộ gần 30 phút mới lên được các mỏm đồi. Khu vực phá rừng và bị lấn chiếm đất lâm nghiệp nằm cách trung tâm xã Mường Chanh khoảng hơn 2 km theo đường chim bay với những quả đồi dốc, gần như cao nhất ở trung tâm xã, bởi chỉ cần đứng ở giữa mỏm đồi là có thể nhìn bao quát cả một vùng của trung tâm xã Mường Chanh.

Đường lên khu vực phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Đường lên khu vực phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Theo quan sát của chúng tôi, trên các mỏm đồi ở các khu vực đất rừng bị phá và lấn chiếm trái phép đều đã được các hộ dân bản Nà Cà trồng kín cà phê, một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Một số mỏm đồi vẫn còn ngổn ngang những cây gỗ lớn bị chặt hạ chưa kịp vận chuyển hoặc sót lại những gốc cây to bị đốn hạn nằm xen lẫn giữa những hàng cây cà phê lúp xúp mới trồng hơn năm tuổi.

Một góc diện tích rừng đã bị các hộ dân chặt phá để trồng cà phê.

Một góc diện tích rừng đã bị các hộ dân chặt phá để trồng cà phê.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, cho biết: Mường Chanh có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho phát triển cây cà phê, xã có gần 450 ha cà phê. Những năm gần đây, các hộ trồng cà phê đều có thu nhập ổn định. Chính vì vậy, một số hộ dân ở bản Nà Cà có hành vi phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp trái phép để trồng cà phê. Đến nay, UBND xã đã xác định được tổng diện tích phá rừng, lấn chiếm sử dụng trái phép đất lâm nghiệp trái phép ở bản Nà Cà là 23,8 ha, diện tích này thuộc khoảnh 4, tiểu khu 307 khu Huổi Phày và khoảnh 9, tiểu khu 308 khu Pá Pàu. Trong đó có 5,9 ha đã củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính của UBND xã và Hạt Kiểm lâm Mai Sơn; còn 17,9 ha vi phạm mới, trong đó có 10 ha đã trồng cà phê; 2,22 ha núi đá; 2 ha dây leo, bụi rậm, người dân đã phát nhưng chưa trồng cà phê; 2 ha vi phạm làm ruộng nước; 1,6 ha vi phạm do làm đường vào các vị trí của các hộ vi phạm.

Phóng viên Báo Sơn La làm việc với Chủ tịch UBND xã Mường Chanh (ngồi giữa) và Trưởng bản Nà Cà.

Phóng viên Báo Sơn La làm việc với Chủ tịch UBND xã Mường Chanh (ngồi giữa) và Trưởng bản Nà Cà.

Cũng theo lời ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, từ năm 2018-2020, tại địa bàn bản Nà Cà đã xử phạt 74 vụ việc do phá rừng và xâm lấn đất lâm nghiệp trái phép (đất lâm nghiệp có cây tái sinh chưa thành rừng), trong đó cấp huyện xử phạt 57 vụ, diện tích 5,2 ha; cấp xã xử phạt 17 vụ, diện tích 0,7 ha; hộ bị xử phạt nhiều nhất là 20 triệu đồng, hộ ít nhất là 2,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, các hộ vi phạm phá rừng và xâm lấn đất rừng trái phép ở bản Nà Cà đã có quyết định xử phạt, số tiền nộp phạt rõ ràng nhưng đến nay, chưa có hộ nào thực hiện. Điều này có thể đã dẫn đến sự “nhờn luật” từ một số hộ dân ở bản Nà Cà khi diện tích phá rừng và xâm lấn đất lâm nghiệp trái pháp luật kéo dài nhiều năm với diện tích ngày càng tăng.

Tuyến đường được các hộ dân bản Nà Cà góp tiền thuê máy xúc mở rộng để đi đến các diện tích vi phạm.

Tuyến đường được các hộ dân bản Nà Cà góp tiền thuê máy xúc mở rộng để đi đến các diện tích vi phạm.

Làm việc với ông Phạm Hồng Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, ông Tiến xác nhận đúng là có tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép ở bản Nà Cà, xã Mường Chanh. Tình trạng này diễn ra từ cuối năm 2019 với diện tích rừng bị phá khoảng 5ha. UBND huyện Mai Sơn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND xã Mường Chanh họp với các hộ dân trong bản và phát phiếu tố giác, nhưng không có hộ nào tố giác người phá rừng. Do đó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi đi khắc phục lại diện tích rừng đã bị phá và lấn chiếm.

Theo ông Phạm Hồng Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, các hộ dân ở đây phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp từ vài trăm mét vuông đến dưới 5.000m² để chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi tại Khoản 1, điều 243 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, tội hủy hoại rừng sẽ bị khởi tố hình sự khi phá từ 1.000m² rừng đặc dụng trở lên, từ 3.000m² rừng phòng hộ trở lên và từ 5.000m² rừng sản xuất trở lên.

Tại Thông báo số 442/TB-UBND ngày 5/11/2021 thông báo Kết luận của đồng chí Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp nghe đề xuất phương án khắc phục hậu quả phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại bản Nà Cà, UBND huyện Mai Sơn đã giao các cơ quan chức năng của huyện tiến hành đo đạc và xác định diện tích phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép của các hộ dân bản Nà Cà để có phương án khắc phục hậu quả phá rừng, lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Ông Phạm Hồng Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết thêm: Do diện tích các hộ dân phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp hiện đã trồng cà phê và cho thu hoạch nên các cơ quan, đơn vị sau khi họp bàn đã đề xuất hướng giải quyết là trồng xen cây mắc ca vì cây mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục tiêu và đã được UBND huyện nhất trí thông qua phương án này; các hộ dân bản Nà Cà sau khi được họp và tuyên truyền cũng đã nhất trí nộp tiền để mua cây mắc ca giống về trồng. Khi cây phát triển, che tán thì mới tiến hành phá nhổ các diện tích cà phê. Đây là diện tích đất cộng đồng nên diện tích cây mắc ca sau khi trồng sẽ được bàn giao cho cộng đồng bản quản lý và chăm sóc và thu hoạch quả theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mai Sơn và UBND xã Mường Chanh kiểm tra kỹ thuật các hố chuẩn bị trồng cây mắc ca.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mai Sơn và UBND xã Mường Chanh kiểm tra kỹ thuật các hố chuẩn bị trồng cây mắc ca.

Ông Cầm Văn Đại, Trưởng bản Nà Cà, cho biết: UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm xác định chi tiết diện tích vi phạm của 78 hộ gia đình. Các hộ dân đã ký cam kết và nộp hơn 100 triệu đồng cho trưởng bản để mua giống cây mắc ca về trồng lại vào các diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp đã lấn chiếm trái phép. Hiện, đã có 80% số hộ gia đình thực hiện đào hố trồng lại cây mắc ca theo hướng dẫn của xã và cán bộ kiểm lâm huyện. Ban quản lý bản sẽ thực hiện trồng cây mắc ca vào đầu mùa mưa năm nay dưới sự giám sát của các tổ chức đoàn thể ở xã.

Các hộ dân bản Nà Cà đào hố để trồng cây mắc ca vào các diện tích rừng đã bị phá.

Các hộ dân bản Nà Cà đào hố để trồng cây mắc ca vào các diện tích rừng đã bị phá.

Để ngăn chặn tình trạng chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng cà phê không tái diễn, huyện Mai Sơn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục để người dân chấp hành nghiêm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc phát hiện các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; kiên quyết xử lý các vi phạm và khắc phục hậu quả không để tái diễn kéo dài.

Phong Lưu - Phạm Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xu-ly-dut-diem-viec-xam-lan-rung-trong-ca-phe-o-ban-na-ca-49478