Xử lý lấn chiếm gầm cầu ở Hà Nội: Cần có giải pháp mạnh
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 472 cầu lớn, nhỏ khác nhau. Mặc dù theo quy định, các tổ chức, cá nhân không được phép chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh, nhưng thực trạng trên vẫn diễn ra, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an toàn công trình cầu đường bộ. Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng giải tỏa rồi lại tái lấn chiếm diễn ra khá phổ biến. Do vậy cần có giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Phía dưới cầu Long Biên (đoạn phố Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm) trở thành nơi đỗ ô tô, xe máy.
Vi phạm tràn lan
Khảo sát của phóng viên tại các gầm cầu Chương Dương, Long Biên, Thanh Trì, Thăng Long...; tình trạng người dân trông giữ xe trái phép, bán hàng vẫn diễn ra công khai. Cụ thể, trưa 9-12, tại gầm cầu Chương Dương (đường Trần Nhật Duật) vẫn có nhiều xe máy gửi ở đây; ngay cạnh là nơi để đồ bán hàng nước, thùng đựng hoa quả của các hộ kinh doanh. Cách đó không xa, tại gầm cầu Long Biên đoạn phố Gầm Cầu trở thành khu vực đỗ của nhiều ô tô, xe máy...
Tại khu vực gầm cầu Thăng Long, đoạn qua địa phận phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cũng thường xuyên có các hoạt động trông giữ ô tô. Tại trụ cầu N4 đến N7, nhiều "nhà tạm" vẫn chưa được tháo dỡ nên nhiều người tận dụng để biến thành nơi bán hàng.
Bà Hoàng Thị Lan, người dân sống tại phường Đông Ngạc cho biết: “Việc trông xe, bán hàng dưới gầm cầu diễn ra từ nhiều năm nay. Cuối năm 2018 chính quyền địa phương đã cưỡng chế giải tỏa việc chiếm dụng này nhưng đến nay, vi phạm vẫn tái diễn phức tạp”. Tại gầm cầu Vĩnh Tuy (đoạn đường Nguyễn Khoái), tình trạng trông giữ xe ô tô ở gầm cầu cũng diễn ra sôi động...
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện nhiều gầm cầu trên địa bàn Hà Nội đang bị chiếm dụng. Trong đó đáng chú ý là khu vực gầm cầu phía Nam cầu Thanh Trì, đoạn giữa các khoang T4 đến T8 (phía trong đê Nguyễn Khoái) xuất hiện tình trạng tập kết xe ô tô để sang chuyển hàng hóa. Tại gầm cầu vượt đường sắt Xuân Phương, các hộ dân lấn chiếm làm quán bán hàng.
Gầm cầu Cống Thần đường tỉnh lộ 428 (75 cũ) huyện Ứng Hòa có tình trạng người dân tự ý mở lối đi từ cầu vào nhà và lấn chiếm gầm cầu làm sân. Khu vực gầm cầu vượt đường sắt tại trục phía Bắc Hà Đông xuất hiện việc đỗ xe máy, ô tô, hàng hóa, họp chợ...
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, từ ngày 1-12-2017, các tổ chức, cá nhân không được phép chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội vi phạm vẫn diễn ra chủ yếu do người dân sinh sống xung quanh gầm cầu tự ý lấn chiếm và một phần do sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương. Trong đó, vi phạm tại gầm cầu Thăng Long đoạn qua phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) là một điển hình.
Theo ông Nguyễn Hữu Bân, cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Đông Ngạc, vi phạm tồn tại là do việc xây dựng hàng rào quanh gầm cầu Thăng Long vẫn chưa hoàn thành, trong khi người dân cố tình lấn chiếm làm nơi kiếm sống nên rất khó trong công tác quản lý. Dự kiến trong tháng 12-2019, UBND phường sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Về tồn tại diễn ra tại gầm cầu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đào Quang Tâm cho biết, khu vực vòng xuyến gầm cầu Chương Dương có hai bãi giữ xe thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Buồm chỉ được phép trông giữ xe từ tối thứ sáu, ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần phục vụ cho tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Các ngày khác nếu diễn ra hoạt động trông xe là vi phạm.
Đưa ra giải pháp, ông Đào Quang Tâm cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ có kế hoạch yêu cầu các phường trong tháng 12-2019 tiếp tục ra quân, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm gầm cầu Chương Dương, Long Biên và tại phố Lê Văn Linh, Hàng Cót...
Ông Dương Quốc Tuấn, cán bộ giám sát, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) thông tin, công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra gầm cầu, tăng cường phối hợp với quận, phường để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm phát sinh.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh, để giải quyết triệt để vi phạm, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý tại các điểm gầm cầu, UBND quận cũng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án cải tạo, chỉnh trang hệ thống giao thông trên địa bàn quận trong đó có hạng mục đóng cọc thép và quây tôn hộ lan bảo vệ, chống lấn chiếm gầm cầu trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Ngô Mạnh Tuấn cho hay, mới đây Sở đã đề xuất UBND thành phố phương án đầu tư xây dựng hàng rào thép để chống lấn chiếm tại một số khu vực gầm cầu đường sắt, đường bộ. Ngoài ra, Sở tiếp tục yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý triệt để các vi phạm.
Tuy nhiên, với thực trạng vi phạm đang diễn ra và đã kéo dài, có lẽ các cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh tay hơn mới mong xử lý dứt điểm việc lấn chiếm, sử dụng gầm cầu trái phép.