Xử lý nghiêm các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch năm 2025

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025.

Chậm phân bổ vốn, ảnh hưởng đến giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/3/2025, vẫn còn hơn 52.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 825.922 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2025 chưa được phân bổ chi tiết. Số vốn chưa phân bổ này là của 19 bộ ngành và 31 địa phương, bao gồm hơn 24.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và hơn 27.597 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Theo Bộ Tài chính, việc phân bổ chi tiết chậm có nguyên nhân khách quan là do các dự án phải rà soát lại sự cần thiết, điều chỉnh chủ trương đầu tư do ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, một số dự án đã hoàn thành, không còn nhu cầu vốn; một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phải rà soát lại đối tượng và nội dung và hỗ trợ do các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đã bị sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức…

Cũng có nguyên nhân từ việc vốn ngân sách địa phương chưa phân bổ được do phụ thuộc vào nguồn thu sử dụng đất, xổ số của địa phương...

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính vẫn là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, cũng như có sự chưa quyết liệt trong chỉ đạo của các bộ, cơ quan, địa phương, dẫn đến vẫn còn nhiều dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện phân bổ vốn…

Việc chậm phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2025 cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Việc chậm phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2025 cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Vốn kế hoạch 2025 chưa phân bổ hết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm còn chưa được như kỳ vọng.

4 tháng, theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 128.500 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này, nếu tính về số tuyệt đối thì cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 110.500 tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ tương đối thì thấp hơn (16,64%).

Xử lý nghiêm bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn trước ngày 15/3

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án để xử lý. Bởi trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến 15/3, nếu không phân bổ hết vốn sẽ bị điều chuyển.

Theo Bộ Tài chính, thực tế, đến ngày 30/4/2025, trong số hơn 52.000 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, có 5 bộ ngành và 19 địa phương đã phân bổ chi tiết thêm 43.800 tỷ đồng. Các dự án được phân bổ có thể thực hiện giải ngân ngay, trong đó có một số dự án lớn, quan trọng trong phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn đến 15/3 (Ảnh VGP)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn đến 15/3 (Ảnh VGP)

Do vậy, đối với số vốn này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu 5 bộ ngành và 19 địa phương nói trên thực hiện kiểm điểm vì thực hiện phân bổ sau ngày 15/3/2025, đồng thời cho phép các bộ ngành, địa phương này tiếp tục triển khai thực hiện và giải ngân số tiền hơn 43.800 tỷ đồng nói trên. cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định.

Ngoài khoản vốn mới được phân bổ chi tiết trên, số vốn chưa được phân bổ còn lại là 8.300 tỷ đồng của 17 bộ ngành và 21 địa phương. Trong số này, vốn ngân sách trung ương là 7.300 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 949 tỷ đồng.

Đối với hơn 7.300 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chưa được phân bổ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép 4 bộ ngành tiếp tục phân bổ 1.428,739 tỷ đồng trong thời gian tới. Lý do là vì, đây là số vốn được giao để thực hiện các dự án quan trọng, sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2022, năm 2023.

Đối với số vốn gần 5.885 tỷ đồng còn lại, đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ điều chỉnh giảm để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.

Trong khi đó, với con số hơn 949 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, yêu cầu 4 địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất Chính phủ về việc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân của 16 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương đến ngày 15/3/2025 chưa hoàn thành việc phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Trong số 19 bộ ngành và 31 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ vốn chi tiết cho đến ngày 15/3, có 3 cơ quan trung ương và 4 địa phương được Bộ Tài chính kiến nghị không thực hiện kiểm điểm. Nguyên nhân là do các dự án của các cơ quan trung ương và địa phương này đã hoàn thành, còn dư vốn, có thể điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn.

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, khi phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; đồng thời, xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xu-ly-nghiem-cac-bo-nganh-dia-phuong-chua-phan-bo-het-von-ke-hoach-nam-2025-d279485.html