Xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng
Trong năm 2022 Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370 ngàn cuộc gọi đến, với gần 28 ngàn cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1,5 ngàn ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và nhiều thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em.
Những con số trên cho thấy, vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin xấu, độc trên internet hiện nay là rất cần thiết.
* Phó Giám đốc Sở TT-TT GIANG THỊ THU NGA: Chung tay xây dựng môi trường mạng an toàn
Việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được cụ thể hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật như: tại khoản 1, Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ khi tham gia trên không gian mạng. Đồng thời, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em dành hẳn Chương IV quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Bộ TT-TT cũng đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT-TT, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TBXH cùng nhiều tổ chức liên quan. Mạng lưới ứng cứu là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Các quy định pháp luật đã có, vấn đề còn lại là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc thực thi nghiêm các quy định pháp luật và vai trò của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, những người gần gũi trẻ trong việc bảo vệ các em. Người lớn phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, dạy kỹ năng, định hướng cho các em trong việc tiếp xúc với môi trường mạng xã hội (MXH), sử dụng internet sao cho hiệu quả, an toàn.
Bên cạnh việc tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tư vấn, vận động chung tay bảo vệ trẻ trên không gian mạng… Song song đó, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc trên internet; sử dụng phần mềm để chặn, lọc, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ hoặc giám sát trẻ em sử dụng internet trong gia đình, trường học…
* Bà NGUYỄN BÍCH QUYÊN, giảng viên Trường đại học Đồng Nai: Cần sự đồng hành và định hướng của người lớn
Có một thực tế là hiện nay nhiều trẻ em xem máy tính, iPad, điện thoại là người bạn chân ái của mình. Là người làm trong ngành giáo dục và là người mẹ có các con nhỏ, tôi chia sẻ một vài phương pháp để hỗ trợ, khắc phục tác hại của internet và MXH đối với trẻ em. Cụ thể: Gia đình nên cho phép trẻ sử dụng internet trong khung giờ nào đó phù hợp với giờ sinh hoạt và hoàn cảnh của gia đình. Để hạn chế trẻ sử dụng thiết bị thông minh quá mức cho phép, gây đau mắt hay là bỏ ăn, tự kỷ, rối loạn tập trung và vận động…, phụ huynh nên đồng hành cùng con trong các hoạt động giải trí trên internet hay sử dụng MXH. Không nên để con lập tài khoản cá nhân trên MXH khi còn quá nhỏ mà chỉ nên sử dụng trên internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống.
Phụ huynh cần giúp con xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không nên tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực; không kết bạn với những đối tượng lạ; không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình; biết thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi gặp vấn đề về quấy rối, đe dọa, bắt nạt trên không gian mạng...
Phụ huynh nên đồng hành cùng với con, tìm cho con một sở thích phù hợp hơn như: vẽ, bơi, đọc sách, hát, nấu ăn… nhằm hướng sự tập trung của con sang sở thích lành mạnh hơn là nghiện internet. Giáo viên và nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền về mặt trái của internet và MXH để tránh việc lạm dụng internet trong giới trẻ…
* Ông LÊ MINH TRÍ (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom): Phải có sự giám sát, hướng dẫn
Hiện trạng trẻ được tự do sử dụng điện thoại để truy cập MXH đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều gia đình. Ngoài những mặt tích cực, internet và MXH cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến lối sống, tâm lý cũng như nhân cách của mỗi người. Chính vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ internet và MXH đối với trẻ thì vai trò của gia đình là hết sức quan trọng.
Phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn để bảo vệ con trên không gian mạng, không thể giao phó thiết bị cho con mà phải có sự giám sát, hướng dẫn. Ngoài việc đưa ra các quy tắc sử dụng internet, cũng cần quan tâm đến thái độ, hành vi của trẻ để kịp thời nhận ra và tìm cách khắc phục nếu trẻ có những thay đổi theo hướng tiêu cực.
Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng trong thời gian tới, theo tôi, ngoài duy trì và tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật; nâng cao vai trò của nhà trường và gia đình cũng cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng.
Kim Liễu (ghi)