Xử lý nghiêm các vi phạm về thiết bị VMS trên vùng biển Tây Nam
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, từ tháng 4/2024 đến nay, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt 338 vụ/391 lượt tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền xử phạt gần 6 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển Tây Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Thời gian gần đây, tình trạng tàu cá của Việt Nam vượt ranh sang vùng biển nước ngoài và bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt, xử lý đã giảm.
Tuy nhiên, tàu cá vi phạm IUU, nhất là vi phạm về sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS) còn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, từ tháng 4/2024 đến nay, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 338 vụ/391 lượt tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền xử phạt gần 6 tỷ đồng.
Điều tra, xác minh và bàn giao hồ sơ vật chứng, phương tiện liên quan đến 21 vụ/33 tàu có dấu hiệu của tội “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới” và tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” cho cơ quan công an các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng điều tra, xử lý theo thẩm quyền; ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự về tội “Tổ chức môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.”
Tòa án Nhân dân các cấp của địa phương đã xét xử 3 vụ án, tuyên phạt 18 bị cáo với tổng mức hình phạt hơn 96 năm tù giam.
Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm IUU, góp phần tiến tới gỡ cảnh báo “Thẻ vàng của EC” và phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 triển khai quyết liệt các giải pháp chống vi phạm về IUU, chú trọng tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân, nhất là các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên về phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.
Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thiết bị VMS, quản lý tàu cá mất tín hiệu…
Thiếu tướng Trần Văn Lượng, Tư lệnh Vùng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt triển khai, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo về IUU, trọng tâm là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư; Chương trình hành động số 2835-CTr/QUTW ngày 3/6/2024 của Quân ủy Trung ương; Kết luận số 1330-KL/ĐU ngày 8/4/2025 của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư và các nghị quyết, kết luận của Đảng ủy Vùng Cảnh sát biển 4 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chống vi phạm IUU.
Qua đó, lực lượng chức năng tổ chức chặt chẽ, hiệu quả lực lượng, phương tiện quan sát, nắm chắc mục tiêu, hoạt động của tàu cá trên thực địa; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm; điều tra, xác minh và xử lý để đánh giá đúng phương thức, thủ đoạn vi phạm IUU của các tàu cá, nắm chắc bản chất, xử lý tận gốc vấn đề.
Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát huy có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình trên biển, vùng biển giáp ranh. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm hành vi tháo, gửi thiết bị giám sát tàu cá và tàu cá mất kết nối trên biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm Kiểm soát Biên phòng; tăng cường kiểm soát lưu động chốt, chặn tại các cửa sông không có Trạm Kiểm soát Biên phòng, kiên quyết không để tàu cá không đảm bảo thủ tục theo quy định, tàu cá “3 không” ra biển hoạt động và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác IUU, đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt trên khu vực biên giới biển của tỉnh.
Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá phục vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ở tỉnh và chống khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và cơ quan chức năng rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác hải sản xa bờ, dài ngày trên biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên phòng, quản lý, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào, hoạt động trên khu vực biên giới biển; tuyên truyền, vận động 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật./.