Xử lý nghiêm chợ tự phát không bảo đảm an toàn
Mặc dù chưa đủ điều kiện để mở lại sau thời gian TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng nhiều chợ truyền thống đã công khai bày bán hàng, nguy cơ mất an toàn trong phòng, chống dịch bệnh luôn tiềm ẩn.
Trưa cuối tuần, trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8), nhiều người bày la liệt thịt cá, rau củ, trái cây… sát vỉa hè chào mời khách mua. “Heo nhà nuôi giá chỉ từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg, rau muống, đậu cô-ve 35 nghìn đồng/kg, cam xoàn, bưởi da xanh từ 35 nghìn đến 55 nghìn đồng/kg… mời cô bác ghé lựa” - chiếc loa di động phát thẳng ra giữa đường gây ồn ào một góc phố. Chị Thu Hạnh (40 tuổi, giáo viên) cho biết: “Từ đầu tháng 10 đã thấy người bán bày hàng công khai giữa đường. Người mua đi ngang chỉ cần dừng xe là có hàng. Nhiều nơi bán tập trung đông người, không giữ khoảng cách dễ dẫn đến nguy cơ lây bệnh. Mặc dù có cơ quan chức năng nhắc nhở, yêu cầu không được họp chợ tự phát nhưng khi lực lượng này đi qua thì đâu lại vào đó”. Tương tự, gần khu vực chợ Hồ Trọng Quý (quận 6) người bán hàng cũng bày la liệt thực phẩm trên vỉa hè. Điểm bán hàng khu cư xá Thanh Đa (gần chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh) luôn nhộn nhịp từ sáng đến trưa. Hàng hóa đựng ngay trong sọt để trên xe máy hoặc bày hẳn xuống đường, vừa không bảo đảm an toàn thực phẩm vừa không bảo đảm giãn cách phòng dịch. Thế nhưng cảnh mua bán vẫn cứ diễn ra tấp nập từ nhiều ngày nay.
Tại ba chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đến hiện tại vẫn chưa được phép mở lại mà chỉ hoạt động dưới hình thức trạm trung chuyển; thế nhưng khu vực chợ tự phát bên ngoài đã xôm tụ từ nửa đêm về sáng. Ghi nhận trong nhiều đêm liền đầu tháng 10/2021, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh trước khi rẽ vào chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cảnh mua bán tự phát khoảng từ 21 giờ trở đi rất náo nhiệt. Hàng chục xe tải lớn lẫn xe công-ten-nơ đậu bên lề đường để xuống hàng tập kết, gây cản trở giao thông. Còn tại đường Quản Trọng Linh dẫn vào cổng chợ, các sạp mua bán và rác thải chen lẫn nhau chiếm gần nửa phần đường. Tình trạng lên xuống hàng tự phát cũng diễn ra tương tự quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn.
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, tiểu thương rất bức xúc nhìn cảnh thương nhân xuống hàng bán bên ngoài chợ như dọc hai bên quốc lộ 1, các bãi xe hay đường Ngô Chí Quốc, tỉnh lộ 43…, dù chợ đang có kế hoạch tăng sản lượng hàng về chợ. Đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền cho rằng, dự kiến cuối tháng 10 sẽ đưa chợ vào hoạt động với khoảng 30% công suất, tương đương thu hút khoảng 600 thương nhân. Tuy nhiên, việc buôn bán tràn lan bên ngoài dễ dàng và không tốn thêm chi phí có thể khiến thương nhân chưa muốn đăng ký vào chợ. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là việc mua bán bên ngoài chợ không được kiểm soát phòng, chống dịch, cho nên ảnh hưởng rất lớn đến chợ nếu khu bên ngoài có ca mắc Covid-19” - đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền chia sẻ.
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức, quận 8 và huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn phải khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vận chuyển hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát chung quanh ba chợ đầu mối không bảo đảm quy định phòng, chống dịch; không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp để tái diễn tình trạng phát sinh các điểm kinh doanh tự phát chung quanh ba chợ đầu mối, chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm giải trình trước UBND thành phố Hồ Chí Minh. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Công an thành phố bố trí lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời nghiên cứu, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông theo dõi, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có cơ sở xử lý.
Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: “Thành phố chưa có chủ trương để các chợ tự phát hoạt động trở lại, thậm chí cả chợ truyền thống và chợ đầu mối. Chợ đầu mối và chợ truyền thống muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng Bộ tiêu chí theo Quyết định 3328 của UBND thành phố; ngoài ra, cần phải tổ chức chặt chẽ trong quá trình buôn bán để bảo đảm an toàn. Việc kinh doanh tại gia đình nếu thuộc các ngành, lĩnh vực Chỉ thị 18 cho phép và kinh doanh có giấy phép đầy đủ mới được phép kinh doanh”. Riêng với chợ tự phát, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định các chợ này chưa được phép hoạt động. Tuy nhiên, trước phản ánh của người dân, để an toàn phòng, chống dịch, cơ quan chức năng tại địa phương nên kiểm tra, xử lý nghiêm chợ tự phát.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có hơn 30 trong tổng số 234 chợ truyền thống đã mở lại, tập trung vào các quận như quận 5, quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Hiện, nguồn hàng về các chợ đầu mối đang tăng dần so với ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Cụ thể, trước ngày 1/10, có khoảng 800 đến 900 tấn hàng hóa về chợ mỗi ngày, nay tăng lên 1.100 đến 1.200 tấn/ngày.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/xu-ly-nghiem-cho-tu-phat-khong-bao-dam-an-toan-668991/