Xử lý nghiêm đối tượng gây tai nạn bỏ chạy
Nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) luôn phải chịu hậu quả nặng nề. Trong nhiều vụ tai nạn, đối tượng liên quan đã bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường để chối bỏ trách nhiệm. Do không được cấp cứu kịp thời, tình trạng của nạn nhân diễn tiến càng nặng, thậm chí tử vong.
Tập trung truy vết
Hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến nạn nhân không được cấp cứu kịp thời, nhiều người dẫn đến mất mạng. Để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền lợi cho các bên liên quan, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, truy vết đối tượng gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường.
Thực tế cho thấy, các lái xe gây tai nạn bỏ chạy thường lợi dụng hiện trường là khu vực vắng vẻ, trời tối, ít nhân chứng để trốn tránh trách nhiệm. Tối 2/8 tại quốc lộ 31, đoạn qua phố Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến người đi xe máy tử vong. Khi cơ quan công an có mặt tại hiện trường chỉ còn nạn nhân.
Công an huyện Lục Nam đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm đối tượng, phương tiện gây ra vụ tai nạn. Tối 3/8, bước đầu đã triệu tập một lái xe nghi điều khiển chiếc xe gây ra vụ tai nạn trên.
Trước đó, khoảng 20 giờ, ngày 23/3, tại quốc lộ 1, đoạn qua thôn Tự Trên, xã Hương Lạc (Lạng Giang) xảy ra một vụ việc tương tự. Cụ thể, xe máy BKS 98G1- 072.80 do anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1985) ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) điều khiển va chạm với ô tô BKS 98C-207.21 do anh Nguyễn Văn Khuyến (SN 1983) ở thôn Bén Dưới (xã Hương Lạc) điều khiển đi ngược chiều chuyển hướng rẽ trái vào đường nhánh.
Sau va chạm, anh Bình ngã văng vào gầm ô tô BKS 98C-155.24 do anh Hoàng Văn Mạnh (SN 1976), trú tại tổ dân phố Đại Phú 1 (thị trấn Vôi) và tử vong tại chỗ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, hai ô tô đều bỏ chạy khỏi hiện trường, cơ quan công an phải tổ chức rà soát phương tiện lưu thông trên địa bàn vào khung giờ xảy ra tai nạn, sau gần một ngày truy vết mới làm rõ phương tiện, lái xe liên quan.
Không chỉ lợi dụng địa hình, thời gian để tẩu thoát, nhiều trường hợp sau khi gây tai nạn còn đến các gara sửa chữa ô tô để xóa dấu vết. Đơn cử như trường hợp Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981), trú tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa). Đầu năm 2021, anh Mạnh điều khiển ô tô BKS 98C- 097.98 sau khi có uống rượu tại một đám cỗ ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) về thì gây tai nạn khiến người điều khiển xe máy tử vong. Hành vi trốn tránh của đối tượng bị cơ quan điều tra “lật tẩy” khi đang mang ô tô đi sửa chữa.
Nâng cao đạo đức lái xe
Thực tế quá trình lực lượng chức năng điều tra các vụ việc cho thấy, trong nhiều vụ án vi phạm quy định giao thông đường bộ, nhiều lái xe điều khiển phương tiện gây tai nạn tiếp tục bỏ chạy thường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn liên hoàn do tâm lý hoảng loạn. Tại nhiều phiên tòa, các bị cáo thường bao biện cho hành vi bỏ chạy là do sợ hãi, lo ngại bị người dân hành hung.
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, thời gian qua, cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp trong truy tìm đối tượng gây TNGT rồi bỏ chạy. Thiếu tá Hoàng Thế Hiệu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an huyện Lạng Giang) cho biết: Việc vận động quần chúng phối hợp, cung cấp hình ảnh từ các camera giám sát hành trình, nhà dân cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá án.
Đơn vị phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức xét xử lưu động các vụ án vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có tài xế bỏ chạy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, lái xe khi xảy ra va chạm, tai nạn nên để lại phương tiện, nhanh chóng đến cơ quan công an nơi gần nhất trình báo. Về phía người dân khi chứng kiến tai nạn cần hỗ trợ người bị nạn đi cấp cứu và nghiêm cấm hành vi uy hiếp, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của lái xe trong các vụ tai nạn.
Một số ý kiến cho rằng, tình trạng lái xe gây tai nạn bỏ chạy có xu hướng gia tăng một phần do quy định đối với hành vi này còn bất cập, hình thức xử lý chưa đủ sức răn đe. Theo quy định hiện hành, phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn...
Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù từ 3-10 năm. Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng nặng mức xử phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dung ma túy...
Do vậy, nếu người gây tai nạn không đến trình diện cơ quan chức năng ngay sau khi xảy ra sự việc, tài xế dù vi phạm nồng độ cồn, thậm chí cả chất kích thích cũng cho kết quả hoàn toàn khác khi đã qua thời gian nhất định.
Việc bỏ trốn thành công, họ có thể chối bỏ trách nhiệm, trong khi nếu không thành, cũng chỉ là tình tiết tăng nặng. Vì thế, hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường cần được coi là vi phạm hình sự, bất kể hậu quả của vụ tai nạn đó có ở mức độ hình sự hay không.
Bài, ảnh: Ngọc Anh