Xử lý nghiêm hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe
Thời gian qua, nhiều trường hợp lái xe bị xử lý vi phạm về giao thông nhưng lại báo mất hoặc dùng bằng cấp giả để được cấp giấy phép lái xe, nâng hạng giấy phép lái xe. Hành vi này đã bị Sở Giao thông vận tải xử lý nghiêm.
Thời gian qua, nhiều trường hợp lái xe bị xử lý vi phạm về giao thông nhưng lại báo mất hoặc dùng bằng cấp giả để được cấp giấy phép lái xe (GPLX), nâng hạng GPLX. Hành vi này đã bị Sở Giao thông vận tải (GTVT) xử lý nghiêm.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm giao thông, sau đó đến báo mất để được cấp lại. Sau khi kiểm tra, sở đã phát hiện hành vi gian dối này và xử phạt nghiêm theo quy định.
“Thực tế, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các lỗi vi phạm đều có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 46 được ban hành năm 2016. Đặc biệt, nhiều lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX, thời gian tước GPLX có thể lên tới tối đa 24 tháng. Vì vậy, một số tài xế đã gian dối khai báo mất để xin cơ quan chức năng cấp lại. Tuy nhiên, hiện nay, việc rà soát hồ sơ cấp GPLX được thực hiện nghiêm; các lỗi vi phạm của tài xế đều được lực lượng cảnh sát giao thông thông báo. Vì vậy, lái xe không thể “qua mặt” được lực lượng chức năng”, ông Lê Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho hay.
Mới đây nhất, ngày 18-5, Sở GTVT có quyết định thu hồi GPLX hạng A1 được cấp năm 2020 của ông Nguyễn Tấn Thanh (phường Vĩnh Phước, Nha Trang). Lý do ông này có hành vi gian dối khai báo mất để xin cấp lại GPLX trong thời gian đang bị lực lượng chức năng tạm giữ chưa được xử lý. Ông Thanh cũng không được thi sát hạch lái xe trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ra quyết định.
Ngoài ra, thời gian qua, sở cũng phát hiện một số trường hợp có hành vi gian dối: Sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT bất hợp pháp để được cấp mới, nâng hạng GPLX ô tô. Đối với những lỗi này, Sở GTVT thu hồi hồ sơ, người có hành vi gian dối cũng không được cấp GPLX trong thời gian 5 năm; nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, Sở GTVT đã phát hiện, xử lý gần 20 trường hợp vi phạm các lỗi nêu trên. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho hay, từ tháng 6-2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị cảnh sát giao thông tạm giữ, xử lý vi phạm khi cấp lại GPLX. Vì vậy, bất cứ hành vi gian dối nào cũng đều bị phát hiện và xử lý nghiêm. Sở khuyến cáo, người dân cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh bị xử lý về hành vi gian dối của mình.
Tại điểm g, khoản 3, Điều 37 Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Ngoài ra, điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư 38 năm 2019 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, quy định: Sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX thì GPLX đó không có giá trị sử dụng, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
THÀNH NAM