Xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ
Nguy cơ số lượng các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Chủ động nắm bắt diễn biến
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam. Mục tiêu điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc. Theo Cục PVTM, không chỉ Hoa Kỳ, nhiều nước khác đang đang đẩy mạnh khởi xướng điều tra các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam do một vài nước cho rằng, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quan điểm rõ ràng, đó là ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Theo đó, với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng đã phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài. Kết quả xác minh phát hiện một số DN cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, cơ quan chức năng đã có biện pháp xử lý phù hợp.
Đặc biệt, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng PVTM của một số nước. Vì vậy, Cục PVTM đã liên tục lưu ý các hiệp hội, DN và thông báo với cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ sau thông quan nhằm ngăn chặn hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.
Thực hiện xử lý có trọng tâm, trọng điểm
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) dần được thực thi toàn diện, hiệu quả hơn, là yếu tố quan trọng hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro về PVTM khi xu thế bảo hộ tại một số thị trường gia tăng.
Trước tình hình trên, ông Lê Triệu Dũng cho biết, Cục PVTM sẽ luôn theo sát và thực hiện các hoạt động PVTM trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thực hiện công tác phòng, chống gian lận xuất xứ có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chân chính ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Mặt khác, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở nước nhập khẩu để trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM...
Đối với DN, để tránh thiệt hại, rủi ro trong thương mại quốc tế, cần nhận thức rõ về các tác động có thể nói rất lớn của các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp về PVTM. “DN cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ những quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM” - ông Dũng khuyến nghị.
Ông LÊ TRIỆU DŨNG - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương): DN cần tìm hiểu rõ các quy định về chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM của nước ngoài, bởi những quy định này ngày càng chặt chẽ hơn và thường xuyên thay đổi.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-gian-lan-xuat-xu-177006.html