Xử lý nghiêm hành vi mua bán động vật hoang dã trái phép

Trước thực trạng nhiều loài động vật hoang dã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp, lực lượng công an tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Công an huyện Vĩnh Tường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công an huyện Vĩnh Tường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Ảnh: Nguyễn Lượng

Không chỉ có Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động vật quý hiếm như gấu, hươu, nai, hoẵng, cầy, sóc, chồn, cheo cheo, voọc đen má trắng…, Vĩnh Phúc còn có nhiều cơ sở gây nuôi một số loài động vật hoang dã như rắn hổ mang thường, lợn rừng, nhím, dúi…

Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở có hoạt động chế biến, kinh doanh động vật rừng và sản phẩm, dẫn xuất của động vật rừng được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và 461 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã.

Trong đó, cơ quan quản lý CITES cấp 1 mã số cho 1 tổ chức gây nuôi rắn hổ mang chúa, thuộc nhóm IB loài nguy cấp, quý, hiếm; Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp 460 mã số cho 460 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thuộc nhóm IIB.

Những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi mua bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Trong đó, xử lý hình sự 2 vụ với 2 đối tượng về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; xử lý vi phạm hành chính 1 vụ.

Điển hình, vào hồi 14h30 ngày 29/11/2020, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phát hiện, bắt quả tang đối tượng P.V.V sinh năm 1983, ở huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội đang vận chuyển trái phép một cá thể sơn dương nặng 44kg đã bị giết thịt.

Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với P.V.V về tội vận chuyển bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.

Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu thị trường cùng lợi ích kinh tế, một số nhà hàng, quán ăn vẫn lợi dụng hoạt động kinh doanh để trà trộn tiêu thụ thịt thú rừng, sản phẩm của các loài động vật hoang dã với động vật gây nuôi.

Các sản phẩm từ động vật khi đã qua chế biến thì không còn nguyên trạng thái ban đầu nên rất khó nhận dạng, kiểm định để xác định nguồn gốc.

Ngoài ra, các đối tượng hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã luôn tạo vỏ bọc tinh vi, thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức, thủ đoạn, gây cản trở công tác quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Thượng tá Phạm Văn Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã, lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình có mua, bán, nuôi, nhốt, sử dụng động vật hoang dã.

Kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là những loại có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo, mua, bán các loài động vật hoang dã.

Công an tỉnh cũng đề xuất các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, tập trung vào các làng nghề gây nuôi động vật hoang dã; cơ sở chế biến, nhà hàng bán thịt thú rừng; cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch; cơ sở buôn bán, nuôi nhốt, bào chế thuốc y học cổ truyền...

Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác kịp thời các vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến mua bán động vật hoang dã trái phép.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/72292/xu-ly-nghiem-hanh-vi-mua-ban-dong-vat-hoang-da-trai-phep.html