Xử lý nghiêm hành vi mua bán hóa đơn trái phép

Mua bán hóa đơn là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Thế nhưng, do mức thu lợi lớn, các đối tượng vẫn bất chấp luật pháp, công khai mua bán hóa đơn trái phép và sử dụng nhiều chiêu thức đối phó cơ quan chức năng.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn VAT cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế VAT doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn trái phép.

Ví dụ mới đây, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đối với Hoàng Trung Nhân (SN 1948, trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội mua bán trái phép hóa đơn. Trong hai năm, Hoàng Trung Nhân đã xuất khống nhiều hóa đơn với tổng doanh số hơn 855,7 triệu đồng, gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách nhà nước.

Tại Hà Nội, do cơ quan thuế thường xuyên công bố "danh sách đen" các doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn trái phép.

Theo bà Trần Thu Hương (Cục Thuế thành phố Hà Nội), việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Thế nhưng, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử giữa các công ty, hợp thức hóa đơn, chứng từ làm giảm số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, nhằm thu lợi số tiền lớn.

Để ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn trái phép, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, bảo đảm tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.

Tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

T.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-mua-ban-hoa-don-trai-phep-a634452.html