Xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông
Dù ý thức được việc làm của mình có thể gây nguy hiểm, nhưng với tâm lý chủ quan, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông. Hành vi vi phạm này đang có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo quan sát của chúng tôi, việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông đối với lái xe ô-tô, xe máy, nhất là những phương tiện lái xe công nghệ hiện nay diễn ra khá phổ biến. Với đặc thù công việc kinh doanh, anh Hà Mạnh Quỳnh (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) thường xuyên phải trao đổi thông tin với khách hàng qua điện thoại. Để tiết kiệm thời gian, anh "tận dụng" luôn cả những lúc đang điều khiển phương tiện để nghe điện thoại xử lý công việc. Chỉ tới khi gặp tai nạn, anh mới bỏ được thói quen nguy hiểm này. Vì chủ quan, sử dụng điện thoại khi lái xe mà cách đây không lâu, anh Quỳnh khi điều khiển xe máy của mình đã đâm vào đuôi xe ô-tô phía trước do không tập trung khi lái xe. "Không biết tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, nhưng tiền đền bù sửa xe, tiền thuốc men do xây xát đã tốn hàng triệu đồng. Bây giờ rút kinh nghiệm, cứ nghe điện thoại là tôi phải tấp vào lề đường", anh Quỳnh chia sẻ. Từng là nạn nhân của hành vi thiếu văn hóa này, anh Mai Tuấn Anh (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) cho biết, cách đây không lâu, khi đang điều khiển xe máy đi trên phần đường của mình, thì chiếc ô-tô bên cạnh bất ngờ rẽ không báo hiệu. Va chạm xảy ra khiến anh Tuấn Anh bị ngã, xây xát mình mẩy, xe máy cũng hư hỏng nhẹ. Chủ nhân chiếc ô-tô vội vàng xuống xin lỗi và cho biết là vừa lái xe vừa nghe điện thoại cho nên không để ý. Rất may chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Qua trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đỗ Thái Bảo, Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Nhất là đối với xe ô-tô, hiện nhiều xe dán kính mờ, kính mầu điều khiển phương tiện, nhưng không tập trung quan sát, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển với tốc độ cao dẫn đến khi gặp tình huống bất ngờ sẽ giật mình, gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc xử lý gặp không ít khó khăn, bởi hành vi diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, có những người vi phạm còn chối cãi. Đối với xe mô-tô, xe gắn máy, khi lực lượng cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, thì một số người điều khiển còn quay đầu xe bỏ chạy, hoặc tăng ga lao vào lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, gây nguy hiểm cho lực lượng cảnh sát giao thông và người dân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ, nếu phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc xử phạt hành chính, lực lượng chức năng cần thu giữ giấy phép lái xe đối với hành vi này. Bởi, nếu phải đợi khi tai nạn xảy ra mới tước bằng, lúc đó e rằng đã quá muộn. Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người đang điều khiển mô-tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động. Thiết nghĩ, để góp phần giảm các hành vi vi phạm, duy trì và bảo đảm trật tự giao thông, các lực lượng chức năng cần có giải pháp trọng tâm, cụ thể, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cũng như các quy định để giảm thiểu những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.