Xử lý nghiêm hành vi sử dụng, mua bán, sản xuất biển kiểm soát xe giả

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hai chiếc xe của hãng Mercedes Benz cùng đời, cùng biển kiểm soát (biển số), cùng lưu thông trên địa bàn phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) khiến dư luận quan tâm. Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an phường Vạn Phúc đã tạm giữ 2 ô tô này để tiến hành điều tra. Được biết, tại thời điểm kiểm tra, một chủ xe không xuất trình được giấy tờ liên quan. Vụ việc cho thấy tình trạng sử dụng xe biển số giả lưu thông vẫn còn phổ biến.

Trước đó, vào ngày 3-10-2020, Công an tỉnh Quảng Trị bắt quả tang đối tượng Ngô Hồng Phong, sinh năm 1995, trú tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Thị Ngọc Trinh, sinh năm 1995, trú tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 250 triệu đồng. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã sử dụng chứng minh thư nhân dân giả, sim rác để thuê xe tự lái tại TP Đà Nẵng. Sau đó, 2 đối tượng làm giả giấy tờ và biển kiểm soát rồi đưa xe ra Quảng Trị cầm cố. Trước khi bị bắt quả tang, 2 đối tượng trên đã thực hiện trót lọt 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP Đông Hà với số tiền 500 triệu đồng.

 Chủ cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật chào hàng biển số giả cho khách có nhu cầu.

Chủ cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật chào hàng biển số giả cho khách có nhu cầu.

Theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16-6-2020 của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới, chỉ có Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), phòng CSGT, công an cấp huyện được phân cấp công tác đăng ký xe thực hiện đăng ký, cấp biển số xe. Như vậy, chủ xe chỉ được cấp biển số tại cơ quan đăng ký xe. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lại tìm mua biển số giả trên thị trường với nhiều mục đích khác nhau. Mục đích đơn giản nhất là làm giả biển số tứ quý, ngũ quý để gắn vào xe của mình cho đẹp. Thời gian gần đây, khi hệ thống xử phạt qua camera được triển khai rộng rãi, nhiều chủ xe đã cố tình sử dụng biển số giả hoặc sửa chữa biển để tránh phạt nguội. Có những đối tượng bị rơi, bị mất biển số, thay vì đến cơ quan chức năng khai báo và xin cấp lại thì lại tìm đến những điểm sản xuất biển giả. Một số đối tượng sử dụng biển số giả lắp vào phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lưu hành xe trái quy định.

Chúng tôi tìm đến phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, là nơi được nhiều người mách có thể đến đây để làm biển số giả theo yêu cầu. Trong vai người có nhu cầu làm biển số xe giả để lắp vào chiếc xe máy không giấy tờ, vừa mua được trên mạng xã hội, sau một hồi trò truyện, chúng tôi được chủ cửa hàng dẫn vào phía bên trong nhà cho trực tiếp xem biển số giả do cửa hàng sản xuất để chào hàng. Giá làm biển số xe máy giả là 250.000 đồng, ô tô là 400.000 đồng và chủ cửa hàng khẳng định chỉ hai tiếng sau khi đặt cọc là nhận được biển số. Theo quan sát của phóng viên, trong cửa hàng có nhiều dụng cụ để sản xuất biển số giả như máy ép biển, phôi nhôm và hàng chục biển số giả.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Tình trạng sử dụng biển số xe giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hình thành nhiều cơ sở sản xuất biển số giả. Kích thước, mẫu mã biển số xe được các đối tượng nghiên cứu làm giả rất tinh vi. Tình trạng sử dụng xe biển số giả không do cơ quan công an có thẩm quyền cấp là một trong những khó khăn cho công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát. Với trường hợp 2 biển số xe giống nhau, chúng tôi sẽ phối hợp với công an các đơn vị, địa phương để tiến hành xác minh và mời cả 2 chủ xe lên để tiến hành điều tra. Ngoài hành vi vi phạm về luật giao thông, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm trường hợp sử dụng biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chúng tôi có đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, bảo đảm xử lý đúng người, đúng vi phạm”.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) khi tham gia giao thông có hành vi không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc) tham gia giao thông. Khoản 2, Điều 29, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép.

Hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng biển số xe giả chủ yếu mới dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính, do vậy tính răn đe chưa cao. Một số trường hợp sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng vẫn tái phạm. Trước thực trạng này, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng biển số giả và nghiên cứu tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng biển số giả, đặc biệt là hành vi sản xuất biển số giả; đồng thời, thông qua hệ thống dữ liệu vi phạm, nếu phát hiện chủ xe tái phạm thì mức phạt cần tăng cao hơn nữa.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xu-ly-nghiem-hanh-vi-su-dung-mua-ban-san-xuat-bien-kiem-soat-xe-gia-656709