Xử lý nghiêm người đi bộ vi phạm Luật Giao thông

Tình trạng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, thậm chí là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ hầu như không được quan tâm.

Người đi bộ thản nhiên băng qua ngã tư mà không đi vào phần vạch kẻ đường dành cho người đi bộ tại ngã tư Lê Thanh Nghị - Tạ Quang Bửu.

Người đi bộ thản nhiên băng qua ngã tư mà không đi vào phần vạch kẻ đường dành cho người đi bộ tại ngã tư Lê Thanh Nghị - Tạ Quang Bửu.

Phạm luật vì nhận thức kém

Người đi bộ thản nhiên đi dưới lòng đường cho dù có vỉa hè, đó là điều không khó bắt gặp tại bất cứ đâu, nhất là ở khu vực nội đô. Đặc biệt, vào buổi chiều, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhiều người chạy bộ thể dục ngay dưới lòng đường; có người đeo tai nghe, như thể đường giao thông là của riêng họ.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó, quan trọng nhất là một bộ phận người đi bộ lầm tưởng rằng các phương tiện cơ giới phải chủ động tránh họ, hoặc nếu có xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) thì lỗi luôn thuộc về chủ phương tiện, người đi bộ không có lỗi gì. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người đi bộ chỉ là một trong những đối tượng tham gia giao thông đường bộ và được ưu tiên một lối đi riêng, đó là hè đường.

Theo đó, người đi bộ khi tham gia giao thông phải tuân thủ theo Điều 32 của Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, người đi bộ phải đi trên hè phố. Trường hợp đường không có hè phố thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

Ông Đỗ Đình Hiệp sống tại phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), cho biết: “Rất nhiều người khi tham gia giao thông quan niệm rằng, phương tiện to phải nhường phương tiện bé. Nếu xảy ra TNGT thì người lái ô tô phải đền chủ xe máy, người đi xe máy phải đền người đi xe đạp và người đi bộ mà không quan tâm tới lỗi dẫn đến TNGT thuộc về ai. Tôi từng chứng kiến nhiều vụ TNGT liên quan đến người đi bộ; không cần biết đúng sai, người đi bộ luôn đòi đền bù, thậm chí ăn vạ”.

Người đi bộ băng qua đường ngay cả nơi có cầu đi bộ.

Người đi bộ băng qua đường ngay cả nơi có cầu đi bộ.

Chính từ nhận thức lệch lạc mà không ít người đi bộ đã gây ra tai nạn giao thông, khiến cả người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều bị thương.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Có rất nhiều vụ TNGT xảy ra do người đi bộ qua đường thiếu quan sát hoặc bị che khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó, khi băng qua đường, một bộ phận người đi bộ thường mặc định rằng các phương tiện sẽ phải nhường đường, nhưng thực tế không phải vậy, có rất nhiều phương tiện đi nhanh, không làm chủ được tốc độ hoặc những phương tiện lớn giảm tốc độ phải có quán tính nên thường xảy ra va chạm. Chưa kể, nhiều người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, thậm chí chạy sang đường mà không quan sát phương tiện đi trên đường, dẫn đến TNGT nghiêm trọng.

Phải xử lý nghiêm

Trên thực tế, ngoài quy định pháp luật về phần đường dành cho người đi bộ thì còn có quy định về việc người đi bộ phải sang đường đúng nơi quy định. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có quy định rằng người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng.

Người qua đường trèo qua dải phân cách bất chấp nguy hiểm.

Người qua đường trèo qua dải phân cách bất chấp nguy hiểm.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 100 cũng quy định rõ, nếu không phải người phục vụ việc quản lý và bảo trì đường cao tốc mà người đi bộ đi vào đường cao tốc thì mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 200.000 đồng.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết: “Trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây ra hậu quả nghiêm trọng như tử vong hoặc thương tích từ 61% trở lên, hoặc thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì người đi bộ cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260 của Bộ Luật Hình sự, chế tài cao nhất của tội danh này là 15 năm tù”.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ, người đi bộ khi tham gia giao thông phải đi trên hè phố hoặc vào lề đường, trường hợp không có lề đường, hè phố thì người đi bộ có thể đi xuống lòng đường nhưng phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được phép sang đường khi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc đi qua hầm chui, cầu đi bộ.

Ngoài ra, người đi bộ tuyệt đối không được băng qua dải phân cách, không mang vác vật cồng kềnh gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại khoản 5, Điều 32, Nghị định 100 cũng quy định: Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường trong nội đô, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: “Phân tích những vụ việc liên quan đến người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, có thể thấy rằng ý thức của người đi bộ qua đường rất thấp. Đối với cơ quan chức năng, cũng có nơi có lúc việc xử lý người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định chưa được coi trọng”.

Khuyến cáo người dân về việc qua đường tại nơi chưa có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường... cho người đi bộ, ông Trần Hữu Minh nói: “Tại những khu vực chưa có biển báo, thiếu vạch kẻ đường, chưa có hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải tập trung quan sát, chỉ khi nào có đủ điều kiện an toàn thì mới qua đường. Trong trường hợp tham gia giao thông trong điều kiện chiếu sáng kém thì người đi bộ nên dùng các thiết bị phản quang để người lái xe cơ giới trên đường có thể nhận biết được người đi bộ từ khoảng cách xa, giúp cho người đi bộ di chuyển an toàn”.

Nâng cao nhận thức của người dân

Khi tham gia giao thông, tất cả mọi người đều mong muốn an toàn và việc đầu tiên cần thực hiện để có được điều đó là chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Bởi thế, việc tuyên truyền và giáo dục Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.

Có rất nhiều tuyến phố vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường.

Có rất nhiều tuyến phố vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường.

Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội đang phát triển, nhu cầu đi bộ để tiếp cận phương tiện giao thông công cộng là rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng và đặc biệt là chính quyền địa phương cần đảm bảo không gian đi bộ của người dân, không để diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Tiếp tục nghiên cứu kỹ những nơi cần xây dựng hầm, cầu đi bộ hay vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường. Đồng thời, cần xử lý nghiêm người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, các hình thức xử phạt phải mang tính răn đe.

Ông Trần Hữu Minh cho biết: “Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để hoàn thiện quy định cho người đi bộ tham gia giao thông. Các nội dung này đang được nghiên cứu, lồng ghép vào trong Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2024. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để hỗ trợ người đi bộ. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải khẳng định ý thức của người tham gia giao thông là vấn đề quan trọng mang tính quyết định, vì thế, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tham gia giao thông đúng luật của người dân”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xu-ly-nghiem-nguoi-di-bo-vi-pham-luat-giao-thong-653208.html