Xử lý nghiêm người tiến hành hoạt động thanh tra nếu vi phạm pháp luật

Để kết quả thanh tra được thực hiện chích xác, khách quan và minh bạch, mới đây Thanh tra Chính phủ ban hành hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm người tiến hành hoạt động thanh tra vi phạm kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với các vụ việc phức tạp, hoặc phạm vi thanh tra rộng, thì người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền lập tổ giám sát để giám sát chính hoạt động của đoàn thanh tra.

Người tiến hành thanh tra vi phạm nặng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 3/2/2025.

Đáng chú ý, tại Điều 25 Chương IV về: “Xử lý hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra”, Thông tư nói rõ: “Người tiến hành thanh tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi sau: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra; thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt;

Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra tại UBND tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa: TT.

Thanh tra Chính phủ công bố Quyết định thanh tra tại UBND tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa: TT.

Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật;

Nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra; tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

Không báo cáo hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện; báo cáo, kết luận không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; làm sai lệch hồ sơ thanh tra; giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nhằm kết luận, báo cáo sai sự thật; chiếm đoạt hồ sơ thanh tra; các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật”.

Theo luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, mặc dù đã có Luật Thanh tra, nhưng việc Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP là hết sức cần thiết, điều này vừa giúp hoạt động thanh tra khách quan, minh bạch, đồng thời, luôn nhắc nhở cán bộ thanh tra trong khi thực hiện nhiệm vụ phải đề cao sự liêm chính, chí công, vô tư.

Thực tế tại nhiều đại án đã được đưa ra xét xử, có không ít bị cáo là cán bộ thanh tra, đã tiếp tay cho sai phạm, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, làm mất lòng tin của xã hội vào hoạt động thanh tra.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Huỳnh Phương Nam, điểm đáng lưu ý của thông tư là làm rõ trách nhiệm người tiến hành thanh tra. Theo đó, người tiến hành thanh tra tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người ra quyết định thanh tra, thậm chí trưởng đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan Thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra sẽ bị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chủ trì kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Thành lập tổ giám sát để giám sát hoạt động của đoàn thanh tra

Phân tích điểm mới của Thông tư số 08/2024/TT-TTCP, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội viện dẫn, Điều 20, 21 Chương III: “Giám sát của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra” để chứng minh hoạt động thanh tra được làm chặt chẽ hơn.

Theo đó, với các vụ việc phức tạp, mức độ thanh tra phải mở rộng thì người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền xem xét, thành lập tổ giám sát, bao gồm tổ trưởng và thành viên tổ giám sát để giám sát chính hoạt động của đoàn thanh tra.

Người thực hiện giám sát có trách nhiệm thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt, thông qua hình thức xem xét các báo cáo của đoàn thanh tra và các thông tin, tài liệu thu thập được.

Khi thấy cần thiết, người thực hiện giám sát làm việc với đoàn thanh tra để làm rõ nội dung giám sát. Khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, người thực hiện giám sát làm việc với đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, trường hợp nhận được thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về vi phạm của đoàn thanh tra thì người thực hiện giám sát có trách nhiệm báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể là thành viên của tổ giám sát, Thông tư nêu rõ: “Người ra quyết định thanh tra không giao nhiệm vụ giám sát cho người mà thuộc một trong các trường hợp sau: Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Khắc Hạnh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xu-ly-nghiem-nguoi-tien-hanh-hoat-dong-thanh-tra-neu-vi-pham-phap-luat-184222.html