Xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá

Qua giám sát kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết bị y tế, buôn bán các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 chưa được phép lưu hành, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, thổi giá các mặt hàng thiết bị y tế để điều trị Covid-19.

Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai, thời gian gần đây, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán, số ca nhiễm Covid-19 cả nước nói chung và tại Thủ đô nói riêng tăng cao. Đây cũng là thời điểm dư luận cử tri và báo chí thường xuyên phản ánh tình trạng trên thị trường giá một số thiết bị y tế (chủ yếu là bộ test kháng nguyên Covid-19 và máy đo nồng độ SpO2) tăng cao đột ngột; đồng thời, xuất hiện một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành. Đoàn ĐBQH thành phố đã đề nghị UBND thành phố báo cáo kết quả quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá.

Theo thống kê của UBND thành phố, trong khoảng thời gian từ 1.1 - 9.3, Sở Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Sở, các phòng chức năng và Phòng Y tế 30 quận, huyện, thị tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm Covid-19. Qua kiểm tra 716 cơ sở, đã xử lý vi phạm hành chính 67 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 373 triệu đồng, thu hồi giấy phép của 12 cơ sở... Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 37 vụ, xử lý hành chính 35 vụ, phạt hành chính hơn 377 triệu đồng với trị giá hàng hóa vi phạm gần 2,7 tỷ đồng. Riêng Công an thành phố đã kiểm tra 15 vụ, xử lý hành chính 8 vụ, phạt hành chính 112 triệu đồng...

Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, nguyên nhân dẫn tới tình trạng đầu cơ, tăng giá một số mặt hàng thiết bị y tế chủ yếu do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp với số ca mắc hàng ngày tăng cao, dẫn tới nhu cầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, test xét nghiệm Covid-19 tích trữ ngày càng nhiều nên dẫn đến khan hiếm các loại test xét nghiệm, một số vật tư trang thiết bị y tế. "Đặc biệt, có một số cơ sở đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để quảng cáo trên internet các sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, không được phép lưu hành hoặc quảng cáo không đúng với tính năng tác dụng của sản phẩm", Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố nêu rõ.

Ngoài ra, mặc dù Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước và được bán tại các nhà thuốc; cùng với đó là cấp phát thuốc điều trị Covid-19 miễn phí tại các cơ sở y tế trên địa bàn đủ đáp ứng thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao và bán thuốc phải có đơn của bác sĩ nên việc tiếp cận các loại thuốc điều trị của người dân có lúc chưa kịp thời.

Lực lượng Quản lý thịtrường kiểm tra một cơ sở kinh doanh vậttư,thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Lực lượng Quản lý thịtrường kiểm tra một cơ sở kinh doanh vậttư,thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Ảnh: P.Long

Đề xuất đưa thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 vào diện bình ổn giá

Qua nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, biên giới tiếp giáp các nước kiểm soát chặt nguồn hàng nhập khẩu và hàng nhập qua đường tiểu ngạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, Đoàn ĐBQH thành phố đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét quy định thặng số giá bán đối với mặt hàng test xét nghiệm, các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế phòng, chống Covid-19 và đưa vào diện bình ổn giá.

Về phía UBND thành phố Hà Nội, Đoàn ĐBQH thành phố đề nghị cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các mặt hàng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống, dịch bệnh Covid-19. UBND thành phố phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh Covid-19", bà Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn dịch vụ và sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

PHI LONG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xu-ly-nghiem-tinh-trang-loi-dung-dich-benh-de-dau-co-tang-gia-kpfwsjclue-81193